SpStinet - vwpChiTiet

 

Chỉ số thương mại điện tử 2021: Hướng tới thu hẹp khoảng cách số

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), khoảng cách chênh lệch trong phát triển thương mại điện tử (TMĐT) giữa các địa phương vẫn là vấn đề lớn khi TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội bỏ xa những tỉnh thành còn lại về chỉ số TMĐT.

Mức chênh lệch lớn

Trong khuôn khổ Diễn đàn Toàn cảnh TMĐT Việt Nam 2021 mới đây, báo cáo chỉ số TMĐT (EBI) 2021 được VECOM công bố cho thấy, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu xếp hạng Chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2021 với 67,6 điểm, đứng thứ hai là Hà Nội với 55,7 điểm. Đà Nẵng xếp thứ ba với 19 điểm, có khoảng cách rất xa so với hai địa phương dẫn đầu.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển TMĐT các địa phương
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển TMĐT các địa phương

Điểm trung bình của chỉ số năm nay là 8,5 điểm, phản ảnh khoảng cách điểm số rất lớn giữa hai đầu tàu là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với 61 tỉnh thành khác. Các địa phương thuộc khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nam Bộ có mức độ phát triển thương mại điện tử thấp nhất. Mức độ chênh lệch này chưa có dấu hiệu thay đổi trong những năm qua.

Top 5 các địa phương đứng đầu cũng có thay đổi so với năm trước khi Đồng Nai đã vươn lên vị trí thứ 5 ngay sau Bình Dương, với 11,14 điểm (năm ngoái đứng thứ 7). Hải Phòng từ xếp hạng thứ 3 xuống vị trí thứ 6. Các địa phương thuộc khu vực phía Bắc và Tây Nam Bộ có mức độ phát triển TMĐT thấp nhất khi đứng ở cuối bảng xếp hạng.

Bên cạnh đó, chỉ số EBI trong những năm qua cho thấy mức độ chênh lệch về chỉ số TMĐT giữa Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh chưa có nhiều dấu hiệu thay đổi. “Điểm số trung bình của các địa phương còn lại rất thấp và không có sự chênh lệch đáng kể. Điều này cho thấy thứ hạng của nhóm thứ ba có ý nghĩa tương đối và có thể nhanh chóng thay đổi qua từng năm nếu các địa phương nỗ lực triển khai hoạt động thúc đẩy doanh nghiệp triển khai TMĐT” - đại diện lãnh đạo VECOM nhìn nhận.

Giai đoạn 2016 - 2020, khoảng cách TMĐT giữa Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương còn lại hầu như không thay đổi. Thực tế này chứng tỏ nhiều địa phương chưa khai thác được cơ hội do TMĐT mang lại, đồng thời các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến chậm mở rộng quy mô kinh doanh và tăng trưởng bền vững.

Đại diện lãnh đạo VECOM cũng đánh giá, dù khoảng cách trong phát triển TMĐT giữa 2 thành phố lớn và các địa phương trong 6 năm qua vẫn liên tục kéo dài song đại diện VECOM cũng cho biết năm 2020 nhiều địa phương đã có chuyển động tích cực và có thể thu hẹp dần khoảng cách.

Từ năm 2021- 2025 sẽ là giai đoạn phát triển nhanh

Theo dự đoán của VECOM, từ năm 2021- 2025 sẽ là giai đoạn phát triển nhanh. Để đạt được mục tiêu các địa phương ngoài Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh chiếm 50% giá trị giao dịch TMĐT B2C của toàn quốc thì cần có sự phối hợp chặt chẽ, hành động quyết liệt của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các Sở Công Thương và các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Vẫn còn khoảng cách đáng kể giữa mục tiêu và giải pháp đề ra trong các chính sách vĩ mô liên quan tới TMĐT và hành động của các cơ quan quản lý nhà nước để đạt được những mục tiêu này.

Trước đó, năm 2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14 về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đề ra mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước. TMĐT sẽ là một công cụ hữu ích giúp các địa phương khó khăn nhất, bao gồm các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người xoá đói giảm nghèo, thu hẹp chênh lệch về thu nhập.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, trong thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường hỗ trợ các địa phương có chỉ số TMĐT thấp. Hiện Cục đã tập trung xây dựng Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 với nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ các địa phương như: Đào tạo nâng lực quản lý nhà nước về TMĐT, nâng cao năng lực ứng dụng TMĐT... sẽ giúp các địa phương nâng cao thứ hạng của mình trong tương lai.

Bên cạnh đó nhiều hoạt động thuộc của Chương trình phát triển TMĐT quốc gia cũng tiếp tục tập trung thực hiện như: Nghiên cứu và xây dựng mô hình thanh toán TMĐT; xây dựng giải pháp bán hàng trực tuyến; xây dựng hệ thống giám sát và quản lý hoạt động TMĐT trên môi trường trực tuyến; xây dựng giải pháp đào tạo trực tuyến về TMĐT; nghiên cứu giải pháp thẻ thanh toán….nhằm hỗ trợ doanh nghiệp các địa phương tận dụng tối đa những lợi ích mà TMĐT đem lại trong việc quảng bá sản phẩm, định vị thương hiệu, kết nối khách hàng và tìm kiếm thị trường để mở rộng mạng lưới kinh doanh.

Mới đây, Thủ tướng đồng ý triển khai thí điểm tiền di động Mobile Money, được kỳ vọng là cú hích cho thanh toán và TMĐT cho nông thôn, vùng sâu vùng xa, những nơi chưa tiếp cận được với dịch vụ ngân hàng, ví điện tử.

Nguồn: Lan Anh - congthuong.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả