Nghiên cứu công nghệ hàn tự động phục vụ hàn vỏ tàu và thiết bị hóa dầu
10/07/2009
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do TS. Hoàng Văn Châu, KS. Lục Vân Thương, KS. Nguyễn Đình Sao thực hiện nghiên cứu ứng dụng công nghệ hàn tự động phục vụ hàn vỏ tàu và thiết bị hóa dầu.
Theo đó, lần đầu tiên đề tài đã triển khai áp dụng công nghệ dò đường hàn tự động bằng đầu dò cảm biến với camera laser để định vị chính xác vị trí hàn, tạo điều kiện nâng cao chất lượng công nghệ cho hàn tự động các mối nối trong không gian. Đề tài có tính toán thiết kế và chế tạo đồ gá hàn trong không gian đảm bảo yêu cầu về phối hợp chuyển động phục vụ cho việc dịch chuyển theo quỹ đạo không gian. Kết cấu đồ gá gọn nhẹ, đảm bảo được tính cơ động và phù hợp cho đặc điểm hàn vỏ tàu thủy và thiết bị hóa dầu. Bộ vi xử lý được thiết kế và lắp ráp trong nước. Phần mềm kết nối đồng bộ với đồ gá và bộ vi xử lý điều khiển số đảm bảo cho các chuyển động của đồ gá theo quỹ đạo cần thiết, đồng thời điều khiển chế độ công nghệ hàn phục vụ cho việc nghiên cứu thiết lập công nghệ hàn tự động các mối nối trong không gian. Đã thực hiện việc tiếp thu một cách có chọn lọc công nghệ tiên tiến của nước ngoài (các nước G7 như Canada, Nhật Bản…) để triển khai các nội dung và mục tiêu nghiên cứu đề ra. Thông quan nghiên cứu thực nghiệm, đề tài đã thiết lập được quy trình công nghệ hàn của thiết bị hàn tự động có điều khiển số trong không gian nhiều chiều với các chế độ công nghệ hàn chủ yếu như điện áp hàn, dòng hàn và tốc độ hàn phù hợp với góc nghiêng của bề mặt chi tiết trong không gian của vỏ tàu. Quy trình công nghệ đã được ứng dụng tại Nhà máy đóng tàu Sông Gấm cho hàn tàu 4000 tấn và được đánh giá đảm bảo các yêu cầu về chất lượng mối hàn đối với vỏ tàu thủy.
LV (nguồn: TC Công nghiệp, kỳ 2, 3/2009)