SpStinet - vwpChiTiet

 

Đánh giá chất lượng điều trị sốt rét tại một số cơ sở y tế nhà nước và tư nhân ở Thừa Thiên - Huế

Đề tài do các tác giả Võ Đại Tùng (Sở Y tế Thừa Thiên - Huế), Hoàng Kim Huyền (Trường ĐH Dược Hà Nội), Trương Văn Như (Viện Sốt rét côn trùng và ký sinh trùng Trung ương) thực hiện nhằm đánh giá thực hành chẩn đoán, sử dụng thuốc sốt rét (SR) hợp lý, an toàn trong điều trị của y, bác sĩ tuyến bệnh viện nhà nước theo phác đồ hiện hành của Bộ Y tế, từ đó đề xuất các biện pháp nhằm góp phần tăng cường quản lý, nâng cao sử dụng thuốc SR hiệu quả, an toàn, hợp lý.

Nghiên cứu tiến hành với các bệnh án lưu của bệnh nhân (BN) SR từ 1/7/2004-31/6/2006 do y, bác sĩ trực tiếp khám và ra y lệnh điều trị. Địa điểm nghiên cứu là 3 huyện nằm trong vùng SR lưu hành (A Lưới, Hương Trà, Phong Điền và TP.Huế). Số mẫu lựa chọn nghiên cứu là số bệnh án được chọn tại các bệnh viện (A Lưới: 331, Hương Trà: 37, Phong Điền: 19, Bệnh viện Trung ương Huế: 134).
Kết quả cho thấy, tỷ lệ chẩn đoán SR đủ 3 yếu tố lâm sàng, yếu tố dịch tễ và xét nghiệm máu tìm kí sinh trùng SR ở Bệnh viện Trung ương Huế là 82,8%, bệnh viện địa phương là 93,5% (khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,05). Tỷ lệ BN có làm xét nghiệm máu tìm kí sinh trùng SR 1-2 lần trung bình cả mẫu là 80,8%, 78,5% với các bệnh viện địa phương và 85,1% với Bệnh viện Trung ương Huế; có 5,1% BN chưa được làm xét nghiệm máu tìm kí sinh trùng SR, 14,2% BN làm xét nghiệm máu tìm kí sinh trùng SR lần 3. Tỷ lệ SR do P.falciparum trong toàn mẫu là 84,6%, trong đó ở bệnh viện địa phương là 81,8% và Bệnh viện Trung ương Huế 91,3%. Ngược lại tỷ lệ BN mắc SR do P.vivax ở bệnh viện địa phương cao hơn Bệnh viện Trung ương Huế (14,5% so với 8,7%). Tỷ lệ chẩn đoán sai SR ở địa phương là 17%, Bệnh viện Trung ương Huế là 3,6% nhưng tỷ lệ không làm xét nghiệm máu tìm kí sinh trùng SR thì ngược lại, Bệnh viện Trung ương Huế là 14,4% cao hơn các bệnh viện địa phương (1,9%). Tỷ lệ điều trị sai phác đồ thuốc SR chung của mẫu bệnh án là 48,6%. Thời gian BN được điều trị SR trước 24 giờ sau khi nhập viện ở bệnh viện địa phương là 91,6%, ở Bệnh viện Trung ương Huế là 94,8% (khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,05). Tỷ lệ sai sót trong lựa chọn thuốc điều trị SR có kí sinh trùng là 6,3%. Từ đó nghiên cứu đề xuất: để giảm thiểu sai sót, nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị SR ở tất cả các tuyến điều trị, cần thường xuyên tập huấn về hướng dẫn điều trị SR cho cán bộ y tế theo phác đồ mới của Bộ Y tế.
 
LV (nguồn: TC Dược học, số 382-2/2008)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả