SpStinet - vwpChiTiet

 

Nhân giống hồ tiêu sạch bệnh bằng kỹ thuật nuôi cấy tế bào

Nhóm tác giả từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng quy trình nhân giống cây hồ tiêu bằng kỹ thuật nuôi cấy tế bào nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững.

Công nghệ nuôi cấy mô tế bào đã và đang đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực như: nuôi cấy tế bào trong môi trường lỏng, sản xuất hóa thực phẩm trong ống nghiệm. Đặc biệt là, lĩnh vực tái sinh cây từ nuôi cấy tế bào đã góp phần to lớn trong việc cải thiện chất lượng và số lượng các loại cây trồng nói chung, trong đó có cây hồ tiêu. Hiện nay, cây hồ tiêu được nhân giống chủ yếu bằng phương pháp giâm hom từ cành thân hoặc cành lươn. Tuy nhiên, thực tế sản xuất cho thấy, việc nhân giống hồ tiêu bằng phương pháp truyền thống đã bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là khi có dịch bệnh bùng phát thì khả năng khống chế nguồn bệnh từ cây mẹ là rất khó, ảnh hưởng đến chất lượng cây giống. Do đó, nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học nuôi cấy mô tế bào trong nhân giống cây hồ tiêu nhằm xây dựng quy trình nhân giống cây hồ tiêu sạch bệnh là rất cần thiết.

Sự kết hợp giữa chất khử trùng Nano bạc (0,3%, thời gian khử trùng 30 phút) và HgCl2 (0,2%, thời gian khử trùng 10 phút) cho tỷ lệ tạo mẫu sạch và sống cao nhất (68,40%). Tỷ lệ mẫu bật chồi cao nhất (86,67%) trên môi trường MS bổ sung chất sinh trưởng BA (2 mg/l) kết hợp với IBA (0,2 mg/l). Môi trường MS bổ sung BA (0,5 mg/l) kết hợp nước dừa non (150 ml/l) hoặc BA (1 mg/l) kết hợp với nước dừa non (100 ml/l) cho khả năng tạo cụm chồi tốt nhất và số chồi/cụm đạt trung bình 6-7 chồi. 100% chồi hình thành rễ và tái sinh cây hoàn chỉnh, có bộ rễ khỏe trên môi trường MS bổ sung chất kích thích sinh trưởng IAA (0,4 mg/l) kết hợp với than hoạt tính (1 g/l).

Nội dung nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam, số 3, năm 2020, hiện đang lưu giữ tại kho tư liệu của Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN Tp. HCM (CESTI)

Trong tạp chí này còn nhiều nghiên cứu đáng chú ý khác, như:

  1. Kết quả đánh giá và chọn lọc các dòng/giống cà phê vối chất lượng cao
  2. Xác định phương pháp bảo quản hạt giống cà phê vối tại Tây Nguyên
  3. Kết quả nghiên cứu chọn tạo giống lúa Đông A1
  4. Đánh giá đa dạng di truyền tập đoàn lúa mùa nổi bằng chỉ thị phân tử SSR
  5. Nghiên cứu đa dạng di truyền tập đoàn bí đỏ địa phương bằng chỉ thị SSR

Quý bạn đọc có thể bấm vào tên bài để tham khảo nội dung chi tiết; hoặc tra cứu các cơ sở dữ liệu của CESTI để tìm tài liệu theo yêu cầu của riêng mình, tại địa chỉ: http://cesti.gov.vn/thu-vien/1/tra-cuu-chung.

Uyên Trang (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả