Cải thiện công nghệ xử lý nước Nhà máy Tân Hiệp để giảm thiểu sự hình thành sản phẩm phụ khử trùng.
12/07/2018
KH&CN trong nước
Do tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Sài Gòn ngày càng nghiêm trọng và có nhiều diễn biến biến phức tạp, nhóm tác giả Nguyễn Phước Dân, Võ Quang Châu, Trần Tiến Khôi (Trường Đại học Bách khoa) đã thực hiện đề tài nghiên cứu về các giải pháp cải thiện công nghệ của nhà máy xử lý nước Tân Hiệp nhằm giảm thiểu nhu cầu Chlorine trong xử lý nước ô nhiễm, phục vụ cấp nước có chất lượng cao với nồng độ chất hữu cơ, vô cơ vết và các sản phẩm phụ khử trùng nằm ở mức an toàn.
Hiện nay, các chỉ số ô nhiễm nước ở sông Sài Gòn, đặc biệt là ô nhiễm hữu cơ thường xuyên vượt mức 10mg/lít và tổng giá trị carbon hữu cơ luôn ở mức 4-5mg/lít, khiến cho tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Song song đó, do hàm lượng sắt, mangan và ammonia trong nước thô cao nên nhu cầu sử dụng Chlorine cho quá trình oxy hóa sơ bộ là rất lớn, thậm chí vượt quá công suất cung cấp của Nhà máy nước Tân Hiệp. Việc sử dụng Chlorine trong xử lý nước ở giai đoạn oxy hóa sơ bộ và giai đoạn khử trùng rất phổ biến tại Việt Nam do Chlorine có khả năng khử trùng tốt và giá thành rẻ. Tuy nhiên, việc sử dụng Chlorine với hàm lượng cao cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro do sự hình thành các phụ phẩm dễ bay hơi từ quá trình Chlorine hóa. Các phụ phẩm này có độc tính cao và có khả năng gây nguy hại cho sức khỏe con người. Vì vậy, việc nghiên cứu và cải thiện công nghệ xử lý nước tại nhà máy nước Tân Hiệp nhằm giảm thiểu sự hình thành sản phẩm phụ khử trùng do Chlorine là rất cấp thiết trong thời buổi hiện nay.
Các thí nghiệm của đề tài được thực hiện dựa trên mẫu nước sông Sài Gòn tại trạm bơm Hòa Phú với các nội dung sau: đánh giá các thông số thiết kế/vận hành thích hợp cho quá trình ozone hóa; xử lý ammonia và các thành phần hữu cơ bằng phương pháp lọc sinh học và oxy hóa để giảm các tác nhân tiêu thụ clo; kết hợp lọc sinh học và oxy hóa để giảm các tác nhân tiêu thụ clo và các tiền chất hình thành phụ phẩm quá trình khử trùng.
Kết quả từ thí nghiệm khảo sát hiệu quả xử lý tiền chất Trihalometbane của ozone thay thế cho chlorine trong quá trình tiền oxy hóa, kết hợp với keo tụ bông bằng than hoạt tính sinh học cho thấy, tiền ozone có các khả năng: loại bỏ độ đục, độ màu, sắt, mangan và cơ chất đạt hiệu quả cao ở liều lượng từ 2-3mg/lít; hiệu quả trợ keo tụ với liều lượng trong khoảng 1-2,5mg/lít; loại bỏ được đồng thời độ đục, độ màu, sắt, mangan, TOC (tổng carbon hữu cơ) và THMFP (tiềm năng hình thành Trihalometbane) sau keo tụ tốt nhất ở liều lượng 2mg/lít.
Bên cạnh đó, sau khi vận hành thực tế mô hình pilot 24m3/ngày tại trạm bơm Hòa Phú cho thấy, quy trình kết hợp công nghệ lọc sinh học nhỏ giọt với ozone + keo tụ, lắng và lọc than hoạt tính sinh học cũng cho hiệu quả cao trong việc loại bỏ DOC (carbon hữu cơ hòa tan), CODMn2 (nhu cầu oxy hóa học), UV254 (độ hấp thụ UV tại bước sóng 254nm), THMFP, độ đục, độ màu, sắt và ammonia lần lượt là 59%, 77%, 76%, 77%, 91%, 83%, 80% và 76%.