Ứng dụng KH&CN phục hồi môi trường sau thiên tai
22/10/2015
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
PGS. TS Trần Văn Tư cho biết, đề tài triển khai nhằm xác định và làm rõ các biến đổi môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội sau thiên tai lũ quét khu vực miền núi phía Bắc. Qua đó, đề xuất được các giải pháp hạn chế các tác động tiêu cực, phục hồi, cải tạo và quản lý môi trường sau thiên tai lũ quét khu vực miền núi phía Bắc.
Sau 3 năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã thống kê được 144 trận lũ quét điển hình, diễn biến lũ quét, các thiệt hại về người, kinh tế và môi trường. Đã mô tả kỹ và đưa ra các hình ảnh chứng minh về điều kiện địa hình, địa chất và khí hậu trong hình thành và phát triển lũ quét (ví dụ, trận lũ quét tại TX Lai Châu 1990, tại TX Sơn La 1991, Khu vực suối Quân Cây, Thái Nguyên xảy ra hàng chục lần ở thế kỷ 20, TX Lạng Sơn xảy ra năm 1914, 1986, 2008, 2014, lũ bùn đá ở bản Lý, Hà Giang, ở bản Khoang, Sa Pa, …)
Đề tài cũng nêu bật được trong các loại hình lũ quét: lũ quét hỗn hợp và lũ bùn đá nguy hiểm và khốc liệt nhất, lũ quét nghẽn dòng thường xảy ra vùng trung tâm kinh tế chính trị nên thiệt hại rất lớn; Lũ quét sườn thường phá hủy đường giao thông và cầu cống.
Đặc biệt, bản đồ phân vùng dự báo lũ quét miền núi phía Bắc được đề tài thành lập tỷ lệ 1:250.000 và các bản đồ cho các trọng điểm tỷ lệ 1:50.000 phản ánh thực trạng lũ quét cũng như tình hình tương lai lũ quét khu vực. Tính ưu việt cũng như tính ứng dụng cao của bản đồ là hơn 3400 điểm lũ quét tập trung mà đề tài dự báo. Cần phải thấy rằng cũng phương pháp này nhóm nghiên cứu đã lập bản đồ phân vùng dự báo lũ quét cho tỉnh Quảng Ninh. Kết quả đã được các cơ quan quản lý và chính quyền Quảng Ninh đánh giá cao qua quan sát từ đó đến nay nhất là trận lũ quét xảy ra rất lớn ở Quảng Ninh năm 2008. Với các điểm lũ quét tập trung mà đề tài chỉ ra cho các tỉnh có thể áp dụng ngay trong công tác phòng chống lụt bão.
GS. TS Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước nhận định, mô hình quản lý thiên tai theo lưu vực nhỏ là một mô hình tiên tiến hiện nay. Để tránh khúc mắc về mặt địa phương, cần thiết phải có ban quản lý lưu vực của tỉnh cùng đội ngũ chuyên môn cao phối hợp với các cấp các ngành chuyên môn của huyện. Mô hình trình diễn quản lý lũ quét, biến đổi môi trường, cải tạo và phục hồi môi trường đã giới thiệu là một mô hình khép kín. Mô hình này giống như giải bài toán đúng dần trong kỹ thuật. Song mỗi bước có kiểm tra độ chính xác bằng các trạm đo xác định quan hệ mưa - dòng chảy - biến đổi môi trường. Đề tài đã đưa ra các ví dụ để điều khiển mô hình. Đặc biệt đưa ra các thông số thay đổi về mặt đệm (quy hoạch xây dựng, khai thác lãnh thổ, thay đổi lòng dẫn) và cường độ mưa trong bối cảnh biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cường độ lũ quét và phạm vi ngập lụt.
Nguồn: truyenthongkhoahoc.vn