Nghiên cứu phát triển một hệ thống khung (framework) dựa trên chuẩn SCORM để hỗ trợ e-Learning và áp dụng cụ thể vào việc học và thi môn Lịch sử Đảng và Tin học đại cương
11/07/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do Ban quản lý các dự án CNTT chủ trì và TS. Vũ Thanh Nguyên là chủ nhiệm, vừa được Sở KH&CN TP.HCM nghiệm thu ngày 11/7/2008.
E-Learning là một phương pháp đào tạo có sử dụng internet và các phương tiện mang tin khác như CD-ROM, DVD… được thực hiện như một hình thức đào tạo từ xa hoặc đào tạo sử dụng mạng máy tính cục bộ. Sự phát triển của internet hiện nay là điều kiện thuận lợi cho e-Learning phát triển với những ưu điểm mà giáo dục truyền thống không có được (tham gia khóa đào tạo từ internet, sử dụng trình duyệt web; cập nhật và phát tán nội dung tức thời; hỗ trợ tự học đến mức tối đa; có thể đo lường được kết quả học tập dễ hơn hơn bất kỳ phương pháp đào tạo nào khác; hỗ trợ cho cách đào tạo truyền thống; tiết kiệm thời gian; tạo môi trường đào tạo hấp dẫn nhờ tính tương tác giữa người học và bài học…).
Đề tài đã nghiên cứu các chuẩn e-Learning (AICC, IMS, SCORM) và nghiên cứu sâu, phân tích, đánh giá chuẩn SCORM, so sánh với chuẩn AICC; nghiên cứu các hệ thống e-Learning hiện hành; nghiên cứu đánh giá các phần mềm dùng cho e-Learning và sử dụng phần mềm Moodle xây dựng hệ thống hỗ trợ e-Learning dựa trên chuẩn SCORM…
Theo đó, chuẩn SCORM là tập hợp các chuẩn và các đặc tả được điều chỉnh từ nhiều nguồn để cung cấp một bộ thông minh các khả năng học trực tuyến, cho phép các khả năng tương tác bên trong, truy cập và tái sử dụng nội dung học trên web. Đó là một phần mềm định nghĩa ra mối quan hệ lẫn nhau giữa các thành phần khóa học, các mô hình dữ liệu, các giao thức, coi chúng như các đối tượng nội dung có thể chia sẻ được giữa các hệ thống được xây dựng theo cùng một mô hình như nhau. Mô hình xây dựng và phát triển hệ thống e-Learning gồm 3 bước: xây dựng nội dung ban đầu cùng với việc triển khai hệ thống quản lý học tập (LMS) chính; khi kho nội dung đã tương đối đầy đủ sẽ tiến hành triển khai các LMS phụ và cung cấp dịch vụ e-Learning ngoại tuyến; cập nhật kho nội dung tại LMS chính.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá tốt các kết quả đề tài đạt được là đã khảo sát, nghiên cứu và xây dựng được quy trình thiết kế và vận hành hệ thống e-Learning trên chuẩn SCORM 2004, sử dụng phần mềm mã nguồn mở Moodle; xây dựng giáo trình điện tử cho 2 môn Tin học đại cương và Lịch sử Đảng trên chuẩn SCORM. Hệ thống và giáo trình này đang được triển khai thử nghiệm tại trường ĐH Dân lập Văn Hiến (TP.HCM).
Lam Vân