Ảnh hưởng của phụ gia bê tông và độ ẩm môi trường đến đặc tính anốt của lớp kẽm phun trên bê tông
10/07/2009
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do ThS. Bùi Thị Thanh Huyền, TS. Hoàng Bích Thủy (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), TS. Lê Thu Quý (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thực hiện nghiên cứu ảnh hưởng của bê tông có trộn phụ gia siêu mịn silicafum hoặc phụ gia ức chế canxinitrit cũng như ảnh hưởng của độ ẩm môi trường (vùng ngập nước) đến tính chất của lớp kẽm phun trên bê tông dùng làm anốt trong bảo vệ catốt.
Theo đó, chế độ ngập nước (độ ẩm) có ảnh hưởng nhiều đến điện thế hở mạch, điện thế làm việc và tốc độ tự hòa tan của lớp kẽm phun. Khi độ ẩm càng cao thì điện thế càng âm và tốc độ tự hòa tan càng lớn. Phụ gia, ức chế trong bê tông ảnh hưởng không đáng kể đến giá trị và độ ổn định của điện thế nhưng ảnh hưởng khá rõ đến tốc độ tự hòa tan của lớp kẽm phun ở chế độ ngập chu kỳ. Ở chế độ ngập 0,5cm thì các loại phụ gia này không ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ tự hòa tan nhưng có ảnh hưởng đến điện thế của lớp kẽm phun trên bê tông và điện thế của lớp kẽm phun trên bê tông có ức chế dương hơn trên bê tông có phụ gia ở chế độ này. Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy, anốt kẽm phun có thể dùng kết hợp được với bê tông có phụ gia và ức chế, độ phân cực anốt nhỏ. Thành phần sản phẩm của quá trình hòa tan anốt trên bề mặt kẽm chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi chế độ ngập nước (độ ẩm) mà không chịu ảnh hưởng đáng kể của chất phụ gia hay ức chế trong bê tông.
LV (nguồn: TC KHCN Xây dựng, 1/2009)