Hiện nay, Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55–NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong nghị quyết này cũng thể hiện rõ vai trò và sự cần thiết của các loại năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng thủy triều.
Năng lượng thuỷ triều được đánh giá là nguồn năng lượng vĩnh cửu và thân thiện với môi trường. Nhiều quốc gia ven biển trên thế giới như Pháp, Nga, Anh, Canada, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Argentina,… đã nghiên cứu, thiết kế và xây dựng thành công các trạm điện sử dụng năng lượng từ thuỷ triều hay gọi là trạm điện thủy triều.
Nước ta có lợi thế đường bờ biển dài trên 3260 km với biên độ thủy triều lên đến trên 4m nên tiềm năng khai thác năng lượng thủy triều là rất khả thi. Tuy nhiên, nguồn năng lượng thủy triều tại Việt Nam vẫn ở dạng tiềm năng sơ khai chưa có nhiều nghiên cứu. Các nghiên cứu và dự án đầu tư chủ yếu là về năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
Đề tài nêu trên nhằm tính toán và đánh giá tiềm năng điện thủy triều ở khu vực biển TP.HCM; xác định khả năng công suất tiềm năng điện dự trữ ngày và tổng công suất năm điện có thể sản xuất từ thủy triều; đánh giá một số giải pháp công nghệ hiện đại phục vụ xây dựng trạm điện thủy triều dựa trên những đặc điểm đặc trưng của khu vực biển TP.HCM (huyện Cần Giờ) giúp bổ sung vào quy hoạch phát triển nguồn năng lượng sạch bền vững.
Bản đồ vị trí khu vực biển Cần Giờ.
Nhóm tác giả lựa chọn khu vực nghiên cứu là vùng biển Cần Giờ và lân cận, sử dụng các phương pháp phân tích và mô hình toán để mô phỏng quá trình thủy động lực, kết quả thu được sau đó làm số liệu đầu vào phục vụ tính toán với 2 phương án khai thác điện bằng đập thủy triều (ĐTT) và năng lượng dòng triều (NLDT) tại các vịnh và cửa sông ở khu vực này.
Các kết quả tính toán ban đầu xác định, đối với các phương án khai thác điện bằng ĐTT, công suất lớn nhất khoảng 224MWh và tổng điện năng khoảng xấp xỉ 1,14 tỷ kWh/năm. Đối với NLDT tại các vị trí cửa sông Soài Rạp, Đồng Tranh, vịnh Gành Rái có tổng công suất khoảng 4,98 - 8,19MW/m2 với vận tốc dòng triều trung bình, và khoảng 125 - 292MW/m2 với vận tốc dòng triều cực đại.
Vấn đề gặp phải là tại các vị trí lựa chọn để tính toán tiềm năng điện triều có vịnh Gành Rái và vịnh Đồng Tranh (cửa sông Soài Rạp) đều là tuyến hàng hải huyết mạch của cụm kinh tế TP.HCM và Đông Nam Bộ. Đối với khu vực vịnh Đồng Tranh, nếu xây dựng theo phương án ĐTT tại đây thì phương án 1 cửa sông Đồng Tranh sẽ ít gây ảnh hưởng tới tuyến hàng hải sông Soài Rạp nhất. Tuy phương án này có công suất phát điện thấp nhất nhưng có thể lại là phương án được xem xét là khả thi nhất. ĐTT khi được xây dựng ở đây có ưu điểm không tạo ra khí thải nhà kính, tăng cường giao thông, cải thiện thủy lợi,… Tuy nhiên sẽ có ảnh hưởng lớn đến quá trình lắng đọng trầm tích, hệ sinh thái bãi triều và rừng ngập mặn tại khu vực Vàm Sát. Vì vậy, phương án NLDT tại khu vực này là phù hợp hơn phương án ĐTT với ưu điểm là lựa chọn vị trí đặt các tuabin tiện lợi hơn so với xây dựng đập ngăn, tránh được ảnh hưởng tới luồng hàng hải và hệ sinh thái bãi triều, rừng ngập mặn.
Đối với khu vực vịnh Gành Rái, phương án ĐTT tại đây có tiềm năng rất lớn, tuy nhiên nó cũng sẽ gây ảnh hưởng tới hai tuyến hàng hải sông Thị Vải và sông Lòng Tàu. Để khắc phục vấn đề nêu này, có thể xem xét đề xuất phương án xây dựng ĐTT tại khu vực đảo Long Sơn - đảo Gò Găng (Bà Rịa - Vũng Tàu). ĐTT ở đây tuy có diện tích thuỷ vực phía trong đập nhỏ hơn đồng nghĩa với công suất tiềm năng điện triều giảm xuống, nhưng sẽ tránh được ảnh hưởng tới giao thông thuỷ và khu vực rừng ngập mặn của khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Ngoài ra phương án NLDT tại khu vực này cũng sẽ có tiềm năng lớn để phát triển với các điều kiện thuận lợi như: dòng triều mạnh, vịnh Gành Rái là khu vực rộng lớn và có ưu điểm trong việc lựa chọn vị trí phù hợp đặt các tuabin.
Như vậy, đề tài đã xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu về nguồn năng lượng thuỷ triều tại khu vực biển Cần Giờ theo các công nghệ khai thác điện bằng đập thủy triều và năng lượng dòng triều. Kết quả nghiên cứu có thể phục vụ làm tài liệu tham khảo, làm tiền đề cho các nghiên cứu chi tiết cụ thể khác, phục vụ cho các công tác đánh giá chuyên sâu hơn tiềm năng năng lượng tái tạo trong tương lai. Từ đó đề xuất các giải pháp khai thác và công tác quy hoạch sử dụng nguồn năng lượng tái tạo vô hạn này cho TP.HCM nói riêng và các vùng biển khác nói chung.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Lam Vân (CESTI)