SpStinet - vwpChiTiet

 

Xây dựng bản đồ nhạy cảm môi trường đường bờ, ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn Thành phố

Tác giả Đào Nguyên Khôi và cộng sự (Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia TP.HCM) nghiên cứu xây dựng bản đồ nhạy cảm môi trường đường bờ, ứng phó với sự cố tràn dầu (SCTD) trên địa bàn TP.HCM nhằm phục vụ cho việc nhận diện những khu vực có nguy cơ xảy ra SCTD, những khu vực nhạy cảm môi trường cao cần được ưu tiên phòng ngừa, bảo vệ. Qua đó cung cấp nguồn thông tin khoa học phục vụ hiệu quả công tác ngăn ngừa, sẵn sàng và tham gia ứng phó SCTD.

TP.HCM nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với nhiều tuyến hàng hải nội địa và quốc tế hoạt động sầm uất đóng vai trò quan trọng trong phát triển xuất - nhập khẩu. Hệ thống cảng sông và cảng biển ở TP.HCM được coi là lớn nhất nước, có 42 cảng đã và đang hoạt động kinh doanh (trong đó có nhiều cảng biển lớn như Tân Cảng, cảng Bến Nghé, cảng Hiệp Phước, cảng Cát Lái,...) với lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng đứng đầu cả nước. Điều này cũng kéo theo những hệ lụy về tai nạn giao thông đường thủy gây ra các SCTD do va chạm hay các sự cố trong quá trình neo đậu hoặc sự cố giàn khoan ở vùng lân cận,… Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 16 SCTD, tần suất xảy ra trung bình là 2 vụ/năm. Các SCTD thường để lại hậu quả rất nghiêm trọng làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, tài nguyên thủy sinh, tài nguyên nước, tài nguyên đất trên một khu vực khá rộng, gây thiệt hại đến các hoạt động kinh tế, đặc biệt là các hoạt động có liên quan đến khai thác và sử dụng các dạng tài nguyên thủy sản.

Hiện nay TP.HCM đã hoàn thành Kế hoạch ứng phó SCTD. Căn cứ vào công văn số 6522/UBND-ĐTMT ngày 17/12/2012 của UBND TP.HCM về xây dựng Kế hoạch ứng phó SCTD, bản đồ nhạy cảm môi trường đường bờ tại tỉnh, thành phố ven biển và Công văn số 11704/VP-ĐT ngày 26 tháng 10 năm 2016 của Văn phòng UBND Thành phố về đặt hàng đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, việc xây dựng bản đồ nhạy cảm môi trường đường bờ, ứng phó với SCTD trên địa bàn thành phố là cần thiết.

Nội dung nghiên cứu của đề tài tập trung xây dựng bản đồ nhạy cảm môi trường đường bờ nhằm thể hiện các dạng đường bờ, các tài nguyên sinh vật và tài nguyên con người sử dụng cần được bảo vệ khỏi tràn dầu, mức độ nhạy cảm của chúng đối với tràn dầu cùng một số thông tin cần thiết cho việc ứng cứu.

Dựa vào bản đồ phân loại có thể nhận dạng được các dạng đường bờ: bờ lộ, sườn dốc và không thấm (ESI=1, nhạy cảm thấp) hầu như ở Cần Giờ; bờ có khả năng thấm và chôn vùi dầu cao (ESI=2, nhạy cảm trung bình thấp) hầu như ở Cần Giờ; bờ lộ có khả năng thấm, dốc thoải và sinh vật đáy phong phú (ESI=3, nhạy cảm trung bình) hầu như ở Cần Giờ; bờ khuất, không thấm, và sinh vật đáy phong phú (ESI=4, nhạy cảm trung bình cao) ở các quận 1, 2, 4, 7, 9, huyện Nhà Bè, Cần Giờ; bờ khuất, khả năng thấm thấp, và sinh vật đáy phong phú (ESI=5, nhạy cảm cao) ở các quận 1, 2, 4, 7, 9, huyện Nhà Bè, Cần Giờ; rừng ngập mặn (ESI=6, nhạy cảm rất cao) tập trung ở Cần Giờ.

Các dạng tài nguyên sinh vật: bãi triều trong sông, bãi triều ngoài cửa sông (ESI=4, nhạy cảm trung bình cao) ở thị trấn Cần Thạnh, các xã Long Hòa, Lý Nhơn, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp, Thạnh An; rừng ngập mặn (ESI=5, nhạy cảm cao) ở TT.Cần Thạnh, các xã Long Hòa, Lý Nhơn, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp, Thạnh An; rừng lõi (ESI=5) ở các xã Long Hòa, Tam Thôn Hiệp; khu bảo tồn (ESI=6, nhạy cảm rất cao) ở các xã Lý Nhơn, An Thới Đông.

Các dạng tài nguyên nhân sinh: khu dân cư nội thành (ESI=2, mức độ nhạy cảm trung bình thấp) ở quận 1, 2, 4, 7, 9; khu công nghiệp (ESI=2) ở quận 1, 2, 4, 7, 9, huyện Nhà Bè; bến cảng (ESI=3, mức độ nhạy cảm trung bình) ở quận 1, 2, 4, 7, 9, huyện Nhà Bè; khu du lịch, khu du lịch sinh thái (ESI=3) ở Cần Giờ; khu dân cư ngoại thành (ESI=4, mức độ nhạy cảm trung bình cao) ở huyện Nhà Bè, Cần Giờ; lúa, ruộng muối (ESI=4) ở quận 2, 7, 9, huyện Nhà Bè; bãi nuôi nghêu, hàu (ESI=5, mức độ nhạy cảm cao) ở Cần Giờ; ao nuôi tôm (ESI=5) ở quận 2, 7, 9, huyện Nhà Bè, Cần Giờ; ao nuôi cá lồng bè (ESI=6, mức độ nhạy cảm rất cao) ở Cần Giờ. Theo mức độ nhạy cảm ESI cao hay thấp mà xác định được các khu vực ưu tiên bảo vệ, vùng hy sinh, vị trí có thể chứa, tập kết dầu và chất thải nhiễm dầu để hoạt động ứng phó SCTD mang lại hiệu quả khi có sự cố xảy ra đúng thời điểm, đúng khu vực, khắc phục SCTD một cách nhanh chóng, hạn chế tới mức thấp nhất ô nhiễm môi trường.

Kết quả mô hình mô phỏng lan truyền dầu theo 6 kịch bản tràn dầu đã phân tích đánh giá tác động của sự SCTD đối với tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên sinh vật, tài nguyên nhân sinh và hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM tại các thời điểm 3 giờ, 6 giờ, 12 giờ, 24 giờ, 48 giờ, 72 giờ sau khi dầu bắt đầu tràn ra môi trường. Các khu vực bị ảnh hưởng tập trung tại quận 2, quận 7, quận 9, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ và khu vực vịnh Gành Rái. Các loài động vật bị ảnh hưởng bởi các SCTD theo các kịch bản bao gồm các loài rái cá, cá, tôm, cua, kỳ đà nước, heo rừng và cá sấu. Đối với những khu vực có mức độ nhạy cảm cao như bãi triều, rừng ngập mặn, rừng lõi, khu bảo tồn cũng có các ảnh hường cụ thể trong từng kịch bản.

Kết quả xây dựng WebGIS quản lý bản đồ nhạy cảm môi trường, đảm bảo người dùng có thể thực hiện được các module chính trên ứng dụng: module tương tác bản đồ (phóng to, thu nhỏ, di chuyển bản đồ); module quản lý bật tắt các lớp dữ liệu; module thống kê mức độ ảnh hưởng các kịch bản tràn dầu; module chú dẫn bản đồ; module mô phỏng 6 kịch bản tràn dầu; module tìm kiếm vị trí theo truy vấn không gian; module định vị GPS. Do đó thành phố cần có các phương án chủ động phòng ngừa các sự cố, giảm tối đa thiệt hại tới môi trường tự nhiên và đời sống của người dân. Như vậy, bản đồ môi trường đường bờ thành phố sẽ là một công cụ tích hợp hữu ích trong Kế hoạch ứng phó SCTD của TP.HCM. Bản đồ cung cấp các thông tin về môi trường vùng sông, cửa biển nhằm phục vụ cho việc nhận diện những khu vực có nguy cơ xảy ra ô nhiễm cao, những khu vực nhạy cảm cao cần được ưu tiên phòng ngừa và bảo vệ kịp thời.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả