Nguyên nhân gây bệnh sọc đen thân trên cây hoa cúc ở Lâm Đồng
22/05/2020
KH&CN trong nước
Các nhà nghiên cứu gồm Bùi Cách Tuyến, Lê Cao Lượng (Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM) và Phạm Đức Toàn, Nguyễn Thị Thu, Phạm Thị Hồng Phi, Huỳnh Văn Biết (Viện Nghiên cứu Công nghệ sinh học và Môi trường) đã tiến hành nghiên cứu các giải pháp cách ly, ngăn ngừa, phòng tránh hiệu quả triệu chứng sọc đen thân trên cây hoa cúc.
Hoa cúc (Chrysanthemum spp) thuộc họ Asteraceae là cây thân thảo hàng niên và là cây hoa có giá trị kinh tế cao được trồng tại Đà Lạt (Lâm Đồng). Diện tích hoa cúc chiếm 37% trong tổng số gần 8.900 ha cây hoa tại Lâm Đồng, cao nhất trong cơ cấu cây hoa của tỉnh. Tuy nhiên, những năm gần đây cây hoa cúc bị thiệt hại nặng do sâu bệnh. Trong đó, bệnh sọc đen thân là một trong những đối tượng gây hại nghiêm trọng nhất.
Trên thế giới, trong chương trình kiểm định giống của EU, đối với hoa cúc cần phải kiểm định các đối tượng như Chrysanthenum B Carla Virus (CBV); Tomato Aspermy Cucumovirus (TAV); Tomato Spotted Wilt Virus (TSWV); Chrysanthemum Stunt Viroid (ChSVd). Trong đó, đáng lưu ý là TSWV, một Tospovirus và là chi duy nhất trong họ Bunyaviridae gây bệnh cho thực vật. TSWV đã được ghi nhận gây ra triệu chứng sọc đen thên trên cây hoa cúc ở các nước trên thế giới như Nhật Bản, Ấn Độ, Argentina,…
Triệu chứng sọc thân cây hoa cúc trên đồng ruộng tại Lâm Đồng với các vết sọc chết hoại cho thấy khả năng hoa cúc bị virus TSWV hoặc CSNV gây hại, hoặc cũng có khả năng do Phytoplasma. Tuy nhiên, việc kiểm định các bệnh trên cây con của hoa cúc còn hạn chế. Do đó, mục đích của nghiên cứu này là xác định nguyên nhân gây ra triệu chứng bệnh để từ đó đưa ra các giải pháp phòng tránh bệnh hiệu quả, giúp ổn định diện tích sản xuất cây hoa cúc tại Lâm Đồng.
Bằng kỹ thuật nested PCR, kết quả nghiên cứu không phát hiện sự hiện diện của Phytoplasma trên tất cả các mẫu hoa cúc. Tuy nhiên, kết quả thể hiện 15/18 mẫu cây hoa cúc dương tính với TSWV. Do đó, kết quả này bước đầu kết luận TSWV là tác nhân gây ra triệu chứng bệnh đốm sọc đen thân trên cây hoa cúc tại Lâm Đồng và đồng thời cũng là thông tin rất hữu ích cho công tác quản lý và phòng trừ bệnh.
Nội dung nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, số 20, năm 2019, hiện đang lưu giữ tại kho tư liệu của Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI)
Trong tạp chí này còn nhiều nghiên cứu đáng chú ý khác, như:
- Hiệu quả của việc sử dụng KCIO3 và CA(NO3)2 đến khả năng chịu mặn của cây lúa
- Đánh giá khả năng kết hợp của một số dòng ngô thuần về năng suất sinh khối
- Nghiên cứu kỹ thuật gieo ươm loài Thiên môn chùm (Asparagus racemosus Willd.) tại tỉnh Gia Lai
- Giải pháp phát triển chuỗi giá trị tre luồng tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An
- Nghiên cứu phát triển loài Sim (Rhodomyrtus tomentosa (Ait.) Hast) ở huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình
Quý bạn đọc có thể bấm vào tên bài để tham khảo nội dung chi tiết; hoặc tra cứu các cơ sở dữ liệu của CESTI để tìm tài liệu theo yêu cầu của riêng mình, tại địa chỉ: http://cesti.gov.vn/thu-vien/1/tra-cuu-chung.
Uyên Trang (CESTI)