Hiện nay, trồng nấm ăn là một ngành nông nghiệp quan trọng trên thế giới. Nấm không chỉ cung cấp dinh dưỡng như một loại thực phẩm giàu protein, không chứa cholesterol, mà còn là nguyên liệu sản xuất nhiều loại dược phẩm quý. Trong những năm gần đây, đã có bước phát triển nhảy vọt về nghiên cứu nuôi trồng nấm ăn ở nhiều nước, trong đó có cả Việt Nam. Các nhà khoa học đã nhận biết khoảng 2.000 loài nấm ăn được, trong đó có 80 loài nấm ăn ngon và được nghiên cứu nuôi trồng nhân tạo.
Các kết quả nghiên cứu về nấm và nuôi trồng nấm ăn trên thế giới được công bố trên nhiều tạp chí chuyên biệt như Mushrooms (Nhật Bản), Mushrooms Journal (Anh), Mushrooms news (Mỹ), Mushrooms Information (Ý), Karstenia (Phần Lan), Der Champignon (Đức), Mushrooms Science (Các hội nghị Quốc tế về cây nấm)…
Riêng tại Việt Nam, trồng nấm ăn là nghề truyền thống từ lâu đời và đã mang lại lợi nhuận cao cho người dân. Tuy nhiên, với cách thức trồng nấm theo truyền thống thì người nông dân đã gặp nhiều khó khăn do diễn biến của thời tiết, nắng mưa thất thường đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất chất lượng nấm sau thu hoạch. Đồng thời, các nghiên cứu về nấm ăn phần lớn chỉ ở dạng sản xuất và nhân giống. Quy trình công nghệ sản xuất chủ yếu vẫn dựa vào hệ thống thủ công và bán thủ công.
Chính vì vậy, mô hình trồng nấm theo công nghệ compost (tạm hiểu là lên men cơ chất) đã ra đời, giúp tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm sạch phù hợp với điều kiện sản xuất của bà con nông thôn hiện nay. Kết quả thực tế cho thấy trồng nấm trong nhà theo công nghệ compost cho năng suất cao hơn gấp hai lần so với ngoài trời, chất lượng nấm đẹp hơn do không bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết, nhiệt độ.
Trồng nấm trong nhà theo công nghệ compost là mô hình mới đầy triển vọng cho năng suất và chất lượng nấm tăng so với cách trồng nấm rơm ngoài trời. Để thực hiện, bà con nông dân chỉ cần mua compost về chăm sóc theo quy trình hướng dẫn. Nguyên liệu compost gồm rơm ủ được phối trộn dinh dưỡng và chất bổ sung theo phương pháp làm công nghiệp, hạn chế được sự nhiễm tạp của nấm dại, giúp nấm phát triển tốt.
Đồng thời, khi sử dụng rơm rạ ủ công nghệ compost thì thời gian trồng và thu hoạch sẽ được rút ngắn, nấm phát triển tốt hơn. Từ khi đem rơm ủ vào nhà trồng và chăm sóc, đến sau 10 ngày sẽ thu hoạch đợt đầu tiên. Trồng nấm trong nhà theo công nghệ compost không khó và cũng không vất vả như trồng ở ngoài trời, chỉ cần thực hiện đúng các quy trình sản xuất như thiết kế nhà trồng nấm phải đúng theo quy cách nền tráng bằng xi măng, đầy đủ không khí, ánh sáng, độ ẩm, thời gian chăm sóc và tưới nước đúng liều lượng thì nấm sẽ phát triển tốt.
Ngoài ra, so với mô hình trồng nấm ngoài trời thì mô hình trồng nấm theo công nghệ compost không cần diện tích nhiều, tiết giảm được rơm ủ, chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc, đặc biệt hạn chế tối đa sâu rầu và dịch bệnh tấn công. Nấm sau khi thu hoạch có màu trắng thân mềm nên rất được nhiều người ưu chuộng.
Quy trình trồng nấm theo công nghệ compost cũng rất đơn giản. Compost sau khi đem về được rải đều trên nền nhà trồng, sau 4 ngày làm tơi xốp rơm compost trước khi chất mô để từng lớp compost vào khung dùng tay ép vừa để cố định mô nấm không được ép chặt, kích thước khung có chiều dài 1,5m, rộng đáy dưới 35cm, đáy trên 25cm, cao 2,5m, mỗi khung chất 2,5 bao compost.
Sau khi chất mô, đậy mô nấm bằng màng phủ, 3 ngày sau tơ nấm phát triển tốt thì tháo màng phủ, tưới nước trực tiếp vào mô bằng bình phun sương, lượng nước vừa phải. Sau đó đậy áo mô lại bằng hai lớp lưới kết hợp với phun sương trên lớp lưới 3 lần/ngày để tạo độ ẩm cho nhà trồng, 4 ngày sau xuất hiện nụ nấm và chăm sóc đến khi thu hoạch.
Ngoài ra, trồng nấm trong nhà theo công nghệ compost giúp người nông dân chủ động được mùa vụ, nhiệt độ, ẩm độ, thuận tiện trong khâu chăm sóc mô nấm, tơ nấm không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, năng suất ổn định. Hiện nay, tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết cũng làm giảm đáng kể năng suất, chất lượng nấm trồng ngoài trời. Do đó, mô hình trồng nấm trong nhà với công nghệ compost là một hướng đi mới cho sự phát triển diện tích trồng nấm, góp phần giải quyết việc làm cho nguồn lao động nông thôn, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Trồng nấm trên cơ chất lên men compost đã được nghiên cứu và triển khai tại một số nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức,… Đây chính là một dạng cải tiến của quy trình lên men cơ chất trồng nấm mỡ. Theo phương pháp này, nguyên liệu trồng nấm thường dùng là các dạng sợi như bông thải, rơm rạ, bã mía, thân bắp,… Cơ chất được làm ẩm rồi phối trộn thêm một số chất dinh dưỡng từ cám gạo, bột đậu nành,… theo tỷ lệ Cacbon/Nitơ thích hợp cho từng loại nấm. Sau khi lên men, giống nấm được cấy vào cơ chất. Sau khi cấy giống, cơ chất được nén lên giàn tương tự như trồng nấm mỡ. Nhược điểm lớn nhất của phương pháp này là rất khó khống chế các tình trạng dịch bệnh và đặc biệt là nếu người trồng nấm ít kinh nghiệm thì thường thất bại ngay trong khâu lên men cơ chất.
Trong thiên nhiên, hầu như tất cả các xác bã thực vật từ cành cây, lá cây, rơm rạ, cọng cỏ, vỏ hạt sen, bẹ chuối khô, xác mía đến bèo lục bình,... đều có thể trồng nấm. Tuy nhiên không phải nguyên liệu nào nấm cũng sử dụng được ngay, mà cần phải qua quá trình chế biến thích hợp. Quá trình này phải nhờ vào tác nhân khác của môi trường sống, còn gọi là quá trình phân rã hay lên men. Thông qua các quá trình này mà các thành phần cấu tạo của nguyên liệu (thường là các đại phân tử) biến đổi thành những hợp chất có cấu trúc phân tử nhỏ hơn. Sản phẩm tạo thành qua quá trình này chủ yếu là những phân tử đường đơn như glucose, cần cho sự biến dưỡng của nấm.
Quá trình lên men cần sự thông thoáng cho đống ủ bằng cách xới trộn định kỳ. Việc xới trộn nhằm cung cấp oxi và làm giảm sự lên men yếm khí, do đó sẽ tránh được việc hình thành các dạng acid hữu cơ trung gian gây bất lợi cho nấm. Một điểm khác cần lưu ý là thông qua giai đoạn ủ, chủ yếu chất đường bị biến đổi vì vậy để chất lượng nguyên liệu phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của nấm, phải bổ sung thêm nguồn đạm thích hợp. Hàm lượng đạm cần cho nấm biến đổi tùy loài, thường là 3-5‰ trừ nấm mỡ cao hơn khoảng 18-20‰. Một số nơi người ta còn dùng các loại phân bón hóa học như ure CO(NH4)2, sunfat amon (NH4)2SO4, nitrat amon NH4NO3, diamon photphat (NH4)2HPO4 hoặc các dạng đạm thực vật như bột đậu nành, cám, bắp…
Bên cạnh thành phần dinh dưỡng trong cơ chất và tác động của vi sinh vật, nguyên liệu trồng nấm còn phải thỏa mãn những điều kiện về độ ẩm, độ xốp và thông thoáng, độ sạch khuẩn.
|
Mô hình hệ thống thiết bị compost trồng nấm sẽ được trưng bày và giới thiệu tại Chợ công nghệ - thiết bị chế biến thực phẩm năm 2017, diễn ra từ ngày 9-13/11/2017 tại Công viên Lê Văn Tám, đường Hai Bà Trưng, phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM. Chợ sẽ trưng bày, giới thiệu chào bán gần 200 kết quả nghiên cứu, công nghệ và thiết bị phục vụ lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thực phẩm.