Đề tài do các tác giả Đỗ Ngọc Đài (Khoa Sau đại học, ĐH Vinh), Lê Thị Hương (Khoa Sinh, ĐH Vinh) thực hiện nghiên cứu đánh giá tính đa dạng thực vật (thành phần loài, giá trị sử dụng, nguồn gen quý hiếm, yếu tố địa lý, phổ dạng sống) ở vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã.
Việc thu mẫu và xử lý được tiến hành từ tháng 6/2007-7/2008.
Qua điều tra hệ thực vật VQG Bạch Mã đã xác định được 379 loài, thuộc 267 chi và 108 họ, trong đó ngành Mộc lan là đa dạng nhất, chiếm tới 94,20% tổng số loài, tiếp đến là ngành Thông chiếm 3,43% số loài, các ngành còn lại (Lycopodiophyta, Polypodiophyta) chiếm tỷ lệ không đáng kể (2,37% tổng số loài). Bổ sung cho hệ thực vật Bạch Mã 2 họ, 21 chi và 126 loài. Các họ đa dạng nhất là Uphorbiaceae, Annonaceae, Moraceae, Myrsinaceae, Rubiaceae, Ceasalpiniaceae, Lauraceae, Acanthaceae, Apocynaceae, Rutaceae. Các chi đa dạng là Ficus, Ardisia, Mallotus, Phyllanthus, Bauhinia, Smilax, Croton, Euvodia, Glochidion.
Hệ thực vật VQG Bạch Mã có nhiều loài cây có giá trị kinh tế cao và cho nhiều công dụng, cây làm thuốc có số loài cao nhất với 175 loài (chiếm 53,03%), tiếp đến là cây cho gỗ 60 loài (chiếm 18,18%), cây cho lương thực – thực phẩm với 41 loài (chiếm 12,42%), thấp nhất là nhóm cây có công dụng khác với 9 loài chiếm 2,73%. Trong các yếu tố địa lý thì yếu tố nhiệt đới chiếm tỷ lệ cao nhất với 62,13%, yếu tố đặc hữu đứng thứ 2 chiếm 31,50%, thấp nhất là yếu tố toàn cầu chiếm 0,58%. Đa dạng về dạng sống: phổ dạng sống khu hệ nghiên cứu: SB = 83,64Ph + 1,85Ch + 0,79Hm + 2,11Cr + 3,69Th.