Thiết kế, xây dựng và sử dụng bể tự hoại
18/03/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do tác giả Nguyễn Việt Anh (trường Đại học Xây dựng Hà Nội) thực hiện nhằm tìm hiểu công tác thiết kế, thi công lắp đặt, quản lý vận hành, bảo dưỡng bể tự hoại góp phần nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của cộng đồng trong xây dựng, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị và bảo vệ môi trường.
Phổ biến ở Việt Nam hiện nay là bể tự hoại cấu tạo gồm 2 ngăn, 3 ngăn. Theo tác giả, bể phải có ống thông hơi, đường kính không dưới 60mm, dẫn lên cao trên mái nhà ít nhất là 0,7m để tránh mùi, khí độc hại. Tính toán cho thấy, dung tích bể không tăng khi dẫn cả nước xám vào bể tự hoại nhất là khi số người tăng. Điều này càng làm rõ sự cần thiết và cái lợi của việc xử lý cả nước đen và nước xám trong bể tự hoại thay vì chỉ cho xử lý nước đen như hiện nay.
Ngoài ra, tác giả cũng đề cập đến các vấn đề trong thi công, lắp đặt và quản lý vận hành bảo dưỡng bể tự hoại. Trong bảo dưỡng bể tự hoại cần chú ý một số vấn đề sau: thời gian khởi động và tạo lớp bùn trong bể tự hoại cải tiến để đạt hiệu suất xử lý ổn định thường không dưới 3 tháng. Không xả vào bể các loại nước mưa, nước chảy tràn bề mặt, nước xả rửa bể bơi, vải, nhựa, cao su…Đặc biệt, các loại bể tự hoại đều phải thực hiện việc hút bùn với thời gian là 3 năm/lần. Các loại bể càng lớn thì chu kỳ hút bùn càng tăng.
Đây là những ý kiến thiết thực, hữu ích trong việc thoát nước và xử lý nước thải chi phí thấp trong điều kiện Việt Nam.
BH (Theo tạp chí Xây dựng, số2/08)