Nghiên cứu các giải pháp công nghệ và quản lý phù hợp để thu hồi, tái chế, xử lý và thải bỏ an toàn một số loại hình chất thải công nghiệp nguy hại điển hình tại khu vực TP.HCM
26/09/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Chất thải công nghiệp nói chung và chất thải công nghiệp nguy hại (CTCNNH) nói riêng luôn là vấn đề cần quan tâm, đặc biệt là tại các đô thị lớn, đông dân cư như TP.HCM. Trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu khoa học về bảo vệ môi trường TP.HCM, đề tài “Nghiên cứu giải pháp công nghệ và quản lý phù hợp để thu hồi, tái chế, xử lý và thải bỏ an toàn một số loại hình CTCNNH điển hình tại khu vực TP.HCM” do PGS.TS Lê Thanh Hải (Viện Môi trường và tài nguyên) làm chủ nhiệm đã được Sở KH&CN TP.HCM nghiệm thu ngày 26/9/2008.
Với mục tiêu đề xuất các giải pháp công nghệ và quản lý phù hợp để thu hồi, tái sử dụng, xử lý và thải bỏ an toàn một số loại hình CTCNNH điển hình tại TP.HCM, phục vụ cho công tác quản lý quy hoạch và quản lý CTCNNH, bảo vệ môi trường TP, đề tài đã đưa ra 5 mô hình nghiên cứu thực nghiệm trong phòng thí nghiệm về các công nghệ điển hình xử lý CTCNNH trong điều kiện Việt Nam và đề xuất 10 quy trình công nghệ áp dụng cho 10 nhóm CTCNNH điển hình.
5 mô hình gồm: oxy hóa học kết hợp bức xạ UV (xử lý CTNH từ ngành sản xuất thuốc bảo vệ thực vật và giày da); xử lý bùn chứa kim loại bằng ổn định hóa rắn; xử lý chất thải bằng phương pháp siêu âm; xử lý đất ô nhiễm bằng phương pháp sinh học; phân tích nhiệt từ quá trình đốt một số loại CTNH ứng dụng công nghệ TGA (phương pháp phân tích nhiệt trọng lượng cho phép đo liên tục biến thiên nhiệt độ của mẫu theo nhiệt độ và thời gian). 10 quy trình đề xuất xử lý 10 loại CTNH điển hình là: dầu nhớt thải (xử lý theo hướng chưng cất đơn giản kết hợp chưng cất phân đoạn nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị cao); chất thải nhiễm dầu – cặn dầu (xử lý theo hướng chế biến thành nhiên liệu rắn để thu hồi nhiệt); chất thải hữu cơ tạp – hóa chất bảo vệ thực vật tồn đọng (xử lý theo phương pháp oxy hóa nâng cao ở nhiệt độ thấp); chất thải bùn chứa kim loại nặng (xử lý theo phương pháp ổn định đóng rắn – sản xuất gạch ceramic); bùn thải nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật – cống rãnh, lắng kênh rạch (xử lý theo phương pháp sinh học dùng chế phẩm Daramend® và sản xuất phân bón; chất vô cơ tạp - ắc quy thải (xử lý theo hướng thu hồi chì và sản xuất sản phẩm phụ); đất nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật (xử lý theo hướng khử ô nhiễm bằng nhiệt áp dụng công nghệ ISTD); chất thải từ ngành sản xuất sơn – vecni (xử lý bằng phương pháp đốt); vụn kim loại nhiễm hóa chất (xử lý theo hướng tái chế thu hồi kim loại có bộ phận làm sạch trước khi tái chế); xỉ kẽm từ ngành xi mạ (xử lý theo hướng thu hồi kim loại để sản xuất các sản phẩm phụ - bột màu hoặc muối dùng để sản xuất phân bón).
Ngoài ra tác giả còn đề xuất các giải pháp quản lý các loại hình CTCNNH điển hình phù hợp với điều kiện TP.HCM qua 15 sổ tay hướng dẫn quy trình quản lý môi trường và quản lý CTCNNH cho các khu chế xuất – khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp quy mô nhỏ và vừa, các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, các ngành công nghiệp điển hình của TP xét trên khía cạnh phát sinh CTNH…
Lam Vân