Nước thải mực in thường được coi là chất thải nguy hại và khi thải bỏ phải tuân theo một quy trình xử lý nghiêm ngặt. Nước thải mực in phát sinh từ các công đoạn của quá trình sản xuất in ấn, vệ sinh thiết bị máy móc và quá trình vệ sinh xưởng khi mực in bị đổ tràn. Nước thải từ các cơ sở in ấn thường có thể tích không lớn, nhưng có thành phần phức tạp với nồng độ cao, bao gồm các chất màu, dung môi hữu cơ, chất dầu mỡ, và các chất phụ trợ, và có thể có một lượng các kim loại nặng. Đây là một trong những loại nước thải công nghiệp rất khó phân hủy sinh học.
Nghiên cứu này ứng dụng công nghệ keo tụ điện hóa với để xử lý nước thải mực in từ xí nghiệp sản xuất bao bì của Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, tỉnh An Giang (NT1) và nước thải mực in từ Công ty TNHH Quốc tế Sianghe, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, TP.HCM (NT2); nước thải từ quá trình sản xuất cà phê hòa tan của Công ty Cổ phần Vinacafe, KCN Long Thành, Đồng Nai (NT3).
Mô hình keo tụ điện hóa được thiết lập tại phòng thí nghiệm bao gồm: bình phản ứng, máy phát dòng một chiều và các cặp điện cực (Al-Al). Tiếp theo, tiến hành chạy thực nghiệm chế độ theo mẻ xử lý nước thải mực in và kiểm tra sự ảnh hưởng của các thông số vận hành bao gồm hiệu điện thế, pH, khoảng cách điện cực, tốc độ khuấy trộn, và nồng độ chất điện ly. Tác động của các thông số này được đánh giá dựa trên hiệu quả xử lý COD và độ màu của nước thải. Độ giảm khối lượng điện cực sau các quá trình keo tụ điện hóa cũng được đo đạc. Sau đó, hiệu quả xử lý COD, độ màu, BOD và TSS trên nước thải mực in được khảo sát tại điều kiện thích hợp với các thông số vận hành nêu trên.
Kết quả cho thấy, đối với nước thải in ấn, tại điều kiện tối ưu (30 V, keo tụ điện hóa trong thời gian 30 phút, khoảng cách 2 cm, pH và nồng độ chất điện ly không điều chỉnh, không khuấy trộn, và lắng 30 phút), độ màu gần như được loại bỏ hoàn toàn khỏi nước thải. TSS đầu ra ở cả hai loại nước thải đều đạt QCVN tương ứng. COD xử lý đạt hiệu quả 95,1% (NT1) và 85% (NT2), mẫu đầu ra của NT1 đạt QCVN nhưng NT2 thì chưa đạt.
Mô hình pilot đã được thiết kế và đưa vào chạy thử để xử lý nước thải in ấn tại Công ty TNHH Quốc tế Sianghe. Kết quả cho thấy, chế độ chạy theo mẻ cho hiệu quả xử lý COD và độ màu cao hơn, nhưng không nhiều, so với chạy liên tục. Số cặp điện cực được thử nghiệm bao gồm 1 cặp và 3 cặp. Quá trình chạy theo thời gian dài cho thấy mặc dù tính chất nước đầu vào biến thiên mạnh theo ngày, nước thải đầu ra có tính chất tương đối ổn định, với độ màu và TSS đạt QCVN 10:2011, cột B. Mặc dù vậy, COD còn vượt giá trị cho phép. Do đó, quá trình keo tụ điện hóa có thể coi là một bước tiền xử lý rất hiệu quả, xử lý được 77% COD.
Nghiên cứu này cũng mở rộng áp dụng keo tụ điện hóa với đối tượng nước thải công nghiệp là nước thải cà phê, với mục đích đưa ra một công nghệ mới xử lý nước thải với hiệu quả xử lý cao và giảm thời gian xử lý, sử dụng các cặp điện cực (Al-Al, Al-Ti). Nước thải thực được lấy ở bể thu gom nước thải từ quá trình sản xuất cà phê hòa tan của Công ty Cổ phần Vinacafe. Điều kiện tối ưu bao gồm: pH 6, điện thế 30 V, khoảng cách điện cực 2 cm, thời gian 60-75 phút. Ở điều kiện này, hiệu quả loại bỏ COD và độ màu là 87% và 99%. Chi phí vận hành tương ứng 0,83-1,49 USD/kgCOD (Al-Al) và 0,88-1,39 USD/kgCOD (Al-Ti). Kết quả đã chứng minh rằng keo tụ điện hóa với thiết kế và vận hành đơn giản hứa hẹn là một phương pháp có thể được được ứng dụng phổ biến, đặc biệt là bước tiền xử lý đối với nước thải cà phê.