SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu gen nguy cơ ở bệnh nhân Alzheimer Việt Nam bằng kỹ thuật giải trình tự thế hệ mới

Là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Thành phố, do Viện Di truyền Y học chủ trì thực hiện, TS. Giang Hoa làm chủ nhiệm, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2020.

Alzheimer là bệnh thoái hóa thần kinh tiến triển chậm nhưng không hồi phục, gây ra tình trạng giảm trí nhớ, suy giảm trí tuệ, rối loạn ngôn ngữ và khả năng định hướng của bệnh nhân. Đây là dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất, chiếm 60%-80% bệnh sa sút trí tuệ nói chung. Bệnh có quá trình tiến triển âm thầm, kéo dài từ vài năm đến 15-20 năm trước khi các triệu chứng xuất hiện và có thể chẩn đoán được.

Ở Việt Nam, bệnh Alzheimer cũng là một bệnh phổ biến, nhất là trong xu thế già hoá dân số. Các bác sĩ chuyên khoa thần kinh đã chú ý nghiên cứu các khía cạnh lâm sàng, dịch tễ học lâm sàng. Đến nay, Alzheimer vẫn là bệnh không thể chữa khỏi và rất khó dự phòng hiệu quả. Các gia đình có người bệnh thường bị các áp lực rất lớn về mặt xã hội, tâm lý, sức khoẻ, kinh tế khi chăm sóc người bệnh. Ở các nước phát triển, Alzheimer là một trong những bệnh tốn kém nhất cho xã hội.

Để điều trị và dự phòng có kết quả, bệnh phải được chẩn đoán sớm nhất có thể. Hiện nay, muốn chẩn đoán sớm chính xác, cần phải dựa vào dấu ấn sinh học. Dấu ấn sinh học của bệnh Alzheimer được phân thành 5 nhóm chính: dấu ấn sinh học hệ gen (genomic biomarkers); dấu ấn sinh học hình ảnh thần kinh (neuroimaging biomarkers); dấu ấn sinh học dịch não tủy (CSF biomarkers); dấu ấn sinh học trong máu (blood biomarkers); dấu ấn sinh học cấu trúc tế bào (cell-based biomarkers).

Việc xác định các gen nguy cơ gây bệnh Alzheimer sẽ giúp hiểu được cơ chế bệnh, phân tầng bệnh nhân và việc chẩn đoán điều trị dựa vào thông tin di truyền sẽ có kết quả tốt hơn. Trong các phương pháp nghiên cứu di truyền như phân tích sinh đôi, phân tích liên kết, nghiên cứu tương quan toàn bộ gen (GWAS), phương pháp giải trình tự gen thế hệ mới (NGS) có nhiều ưu thế, giúp giải trình tự nhiều gen một cách nhanh nhất, chính xác nhất. Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu về di truyền học Alzheimer được công bố, và đến nay ở nước ta vẫn chưa có nghiên cứu ứng dụng NGS cho bệnh Alzheimer người Việt.

Đề tài nêu trên có mục tiêu chính là xây dựng quy trình xác định đặc điểm di truyền của biến thể gây bệnh Alzheimer bằng kỹ thuật NGS. Quy trình xây dựng thành công với chi phí hợp lý sẽ được ứng dụng rộng rãi để hỗ trợ chẩn đoán lâm sàng và giúp bệnh nhân có phương án thích hợp cho việc điều trị bao gồm Alzheimer thể khởi phát sớm (EOAD), sa sút trí tuệ dạng thuỳ trán thái dương (FTD), và Alzheimer thể khởi phát muộn (LOAD).

Đề tài tiến hành với đối tượng nghiên cứu là các bệnh nhân được chẩn đoán mắc Alzheimer tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Bệnh viện Thống Nhất. Bệnh nhân được phân chia thành 2 nhóm EOAD và LOAD dựa trên tuổi tại thời điểm chẩn đoán bệnh Alzheimer. Để nhận dạng các biến thể gây bệnh Alzheimer thể khởi phát sớm hay gia tăng nguy cơ Alzheimer dạng khởi phát muộn, DNA bộ gen được tách chiết từ máu ngoại vi của bệnh nhân.

Kết quả, đã xây dựng thành công 3 quy trình bao gồm: quy trình giải trình tự gen thế hệ mới các gen liên quan bệnh Alzheimer Việt Nam (quy trình NGS Alzheimer); quy trình khám và chẩn đoán bệnh Alzheimer; quy trình tư vấn di truyền đối với các bệnh nhân và gia đình có mang đột biến gen gây bệnh.

Quy trình NGS được ngoại kiểm bằng phương pháp giải trình tự Sanger (được xem là phương pháp chuẩn để khẳng định các đột biến phát hiện được trên mẫu DNA). Kết quả cho thấy, độ nhạy, độ đặc hiệu và tương đồng của phương pháp NGS đạt 100%. Như vậy, kỹ thuật NGS có khả năng ứng dụng để phát hiện đột biến gen liên quan đến bệnh Alzheimer ở người Việt Nam. Quy trình tư vấn di truyền bệnh nhân Alzheimer đảm bảo các nguyên tắc và các bước về tư vấn di truyền nói chung, phù hợp thực tế tư vấn di truyền cho bệnh nhân Alzheimer tại Việt Nam. Quy trình khám, chẩn đoán, tuyển chọn bệnh nhân Alzheimer được xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn DMS-5, được chấp nhận tại khoa Nội thần kinh – Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.

Bên cạnh đó, đề tài đã sử dụng NGS trong nghiên cứu và thu được số liệu về 15 gen có liên quan đến bệnh Alzheimer Việt Nam. Đây là cơ sở để xây dựng một multi-gene panel trong xét nghiệm gen bệnh Alzheimer và xây dựng bộ gen Alzheimer Việt Nam.

Trên cơ sở các kết quả của đề tài, nhóm nghiên cứu có thể kết hợp cùng các bác sĩ lâm sàng và các phòng xét nghiệm, các bệnh viện có khoa nội thần kinh xây dựng và phát triển phương pháp chẩn đoán sớm xét nghiệm dự báo Alzheimer, giúp phát hiện sớm các nhóm bệnh nhân có nguy cao mắc bệnh, cũng như dự báo các nhóm bệnh nhân phát triển bệnh muộn. Qua đó, bệnh nhân được tư vấn và có những biện pháp phòng ngừa nhằm hạn chế tối đa sự phát triển của bệnh trong tương lại, giúp giảm bớt gánh nặng về tâm lý, kinh tế cho gia đình và xã hội. Nhóm nghiên cứu cũng sẵn sàng chuyển giao cho các bệnh viện trên cả nước 3 quy trình kỹ thuật đã xây dựng thành công trong đề tài.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả