SpStinet - vwpChiTiet

 

Ảnh hưởng của nồng độ và thời gian xử lý Colchicine đến khả năng tạo đa bội ở hành củ.

Nhóm tác giả Trần Thị Minh Hằng, Phan Thị Minh Phượng, Nguyễn Thanh Tuấn (Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và cộng sự đã thực hiên nghiên cứu về ảnh hưởng của nồng độ và thời gian xử lý Colchicine đến khả năng tạo đa bội ở hành củ (Allium cepa L., Aggregatum group) với mục tiêu tạo ra giống hành củ có chất lượng và sinh trưởng tốt trong điều kiện khí hậu Việt Nam.

Hành củ là một trong những loại rau gia vị thiết yếu được sử dụng phổ biến tại Việt Nam, nhưng hiện tại các giống hành củ ở nước ta đều là giống địa phương nên chất lượng giống chưa tốt. Ngoài ra, điều kiện khí hậu ở Việt Nam cũng khiến hành củ không thể ra hoa, gây khó khăn cho chọn tạo giống bằng lai hữu tính. Trong khi đó, phương pháp tạo giống bằng xử lý đa bội thể lại rất hiệu quả đối với loại cây trồng nhân giống vô tính bằng bộ phận sinh dưỡng như hành củ.

Nghiên cứu (được đăng trên tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, số 3/2016) sử dụng giống hành của Kinh Môn, Hải Dương để tiến hành xử lý đột biến. Củ hành khô được cắt bằng đế củ và đặt lên miếng gạc bông tẩm dung dịch Colchicine với nồng độ khác nhau từ 0,2 – 2%, thời gian xử lý từ 1 – 10 ngày. Sau khi xử lý, rửa sạch rễ củ hành bằng nước sạch và đem trồng vào chậu nhựa. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu tiến hành cố định, nhuộm, quan sát và đếm nhiễm sắc thể tế bào chóp rễ.

Kết quả cho thấy xử lý Colchicine với nồng độ 1% trong thời gian 6 ngày là thích hợp nhất để tạo cây hành củ đột biến tứ bội với tỷ lệ cây sống sót đạt 80% và tỷ lệ cây tứ bội đạt 20% (36 cây) trên tổng số cây xử lý. Bên cạnh đó, thời gian và nồng độ xử lý Colchicine cũng có ảnh hưởng rõ rệt đến khả năng sống sót của các cây củ hành, vì khi xử lý ở nồng độ cao trên 1% và số ngày dài trên 6 ngày sẽ làm tăng tỉ lệ cây chết (lên đến 100% ở nồng độ 1% Colchicine trong 9 – 10 ngày).

Nguồn: Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả