Nghiên cứu phương pháp luận cho quy trình lượng hóa giá trị môi trường của rừng ngập mặn ở Việt Nam
14/11/2014
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Với nghiên cứu này, tác giả Nguyễn Thu Phương và cộng sự (Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu) bước đầu xây dựng quy trình cụ thể với các bước tiến hành và các phương pháp nhằm lượng hóa một cách tương đối chính xác và đầy đủ các giá trị môi trường của rừng ngập mặn, góp phần cung cấp các thông tin và quy trình hữu ích cho việc thực hiện phân tích chi phí - lợi ích của các dự án có liên quan.
Rừng ngập mặn đóng một vai trò quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học, điều hòa khí hậu, bảo vệ vùng ven biển phòng chống thiên tai, ngăn triều, chặn sóng, hạn chế xâm nhập mặn và bảo vệ nguồn nước ngầm… Trong bối cảnh thay đổi môi trường toàn cầu, việc trồng và phục hồi những khu rừng ngập mặn đang càng trở nên cấp thiết, và là một trong những giải pháp ưu tiên trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở những quốc gia ven biển, đặc biệt như ở Việt Nam.
Các giá trị môi trường chính của rừng ngập mặn gồm giá trị về bảo tồn đa đạng sinh học, giá trị bảo vệ bờ biển, tích lũy carbon, điều hòa khí hậu, phòng chống thiên tai, hạn chế xâm nhập mặn, lọc sạch nguồn nước, điều hòa chất dinh dưỡng…
Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích các tài liệu trong và ngoài nước, nhóm tác giả đã tổng hợp và xây dựng quy trình lượng hóa về mặt kinh tế cho ba giá trị môi trường chính cho rừng ngập mặn là giá trị bảo vệ bờ biển, giá trị hấp thụ carbon và giá trị đa dạng sinh học. Với mỗi giá trị, nghiên cứu đã tiến hành xây dựng các bước cụ thể từ việc lựa chọn khu vực nghiên cứu, các số liệu cần điều tra thu thập, cũng như công thức tính toán cho mỗi giá trị, giúp cho việc tính toán tổng giá trị kinh tế của rừng ngập mặn được dễ dàng hơn, phục vụ cho các yêu cầu tính chi phí-lợi ích của các dự án bảo vệ và khôi phục rừng ngập mặn ở Việt Nam.
Hướng nghiên cứu tiếp theo sẽ áp dụng các quy trình lượng hóa đã xây dựng để tính toán cụ thể cho các giá trị môi trường cho một số khu vực rừng ngập mặn thí điểm ở Việt Nam, so sánh và đánh giá các kết quả thu được, trên cơ sở dựa vào điều kiện đặc trưng của khu vực, từ đó có thể lựa chọn phương pháp tính phù hợp nhất cho từng giá trị môi trường ở từng khu vực cụ thể.
LV (nguồn: HN KHCN ĐH Tài nguyên và Môi trường TP. HCM lần 2-2014)