Tuyển chọn giống nhãn chống chịu bệnh chổi rồng (WITCHES’ BROOM) ở Nam bộ
16/04/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Mai Văn Trị, Vũ Thị Hà, Vũ Mạnh Hà (Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ), Phạm Thị Thúy Yến (Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Nguyễn Văn Hòa, Lê Thị Thu Hồng (Viện cây ăn quả miền Nam) thực hiện nghiên cứu tuyển chọn giống nhãn chống chịu bệnh chổi rồng (Witches’ Broom) - một loại bệnh nguy hiểm đối với sản xuất nhãn ở Đông Nam bộ.
Nghiên cứu tiến hành từ 9/2005 đến 9/2007 với 11 giống nhãn (10 giống địa phương và 1 giống nhập nội) gồm tiêu da bò, tiêu lá bầu, xuồng cơm vàng, xuồng CR, long, super… của Việt Nam và giống nhãn Do (còn gọi là Daw) của Thái Lan. Các giống này được lấy mắt ghép và ghép trên gốc ghép nhiễm chổi rồng để đánh giá khả năng chống chịu chổi rồng (vườn nhãn giống tiêu da bò 5 tuổi nhiễm chổi rồng nặng được chọn làm vườn gốc ghép); thực nghiệm mô hình ghép chuyển đổi giống xuồng cơm vàng trên vườn nhãn tiêu da bò nhiễm chổi rồng.
Kết quả cho thấy, trong 11 giống được đánh giá, giống xuồng cơm vàng, long và super không có triệu chứng nhiễm chổi rồng. Ba giống tiêu da bò, tiêu lá bầu và nhãn Do nhiễm chổi rồng nặng, đặc biệt là giống tiêu da bò. Các giống xuồng CR, cuồng CT1, xuồng TDX, xuồng TDV và xuồng BC nhiễm chổi rồng trung bình. Thực nghiệm cho thấy, giống nhãn xuồng cơm vàng ghép trên gốc ghép tiêu da bò qua nhiều năm không bị chổi rồng. Tỷ lệ ghép chuyển đổi thành công trên 50%; cây sau ghép sinh trưởng và phát triển tốt, đảm bảo năng suất và chất lượng của giống.
Từ đó đề tài kiến nghị nên sử dụng tính chống chịu của giống như là một trong các biện pháp quản lý tổng hợp dịch hại chổi rồng. Giống nhãn xuồng cơm vàng có chất lượng ngon và giá bán cao có thể là lựa chọn để thay thế cho giống nhãn tiêu da bò nhiễm chổi rồng nặng. Có thể áp dụng ghép chuyển đổi giống nhanh (top-working) trên các vườn nhãn tiêu da bò bị nhiễm nặng. Cần tiếp tục nghiên cứu để hiểu rõ cơ chế tính chống chịu của các giống nhãn đối với chổi rồng.
LV (nguồn: TC NN&PTNT, số 1/2008)