Nghiên cứu một số hành vi có hại cho sức khoẻ ở học sinh dân tộc nội trú miền núi phía Bắc
22/02/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Hoàng Khải Lập, Nguyễn Minh Tuấn (Trường ĐH Y Khoa Thái Nguyên) thực hiện nhằm đánh giá những hành vi có hại cho sự phát triển của học sinh dân tộc nội trú; đề xuất giải pháp can thiệp thích hợp nhằm hạn chế tác động của các hành vi có hại đối với sức khoẻ và sự phát triển thể chất của học sinh dân tộc thiểu số miền núi (DTTSMN).
Nghiên cứu tiến hành với học sinh dân tộc thiểu số (H’Mông, Dao, Mường và Thái) học tại trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Hoà Bình và Thái Nguyên.
Kết quả cho thấy, hành vi sử dụng thuốc lá, rượu, bia ở học sinh PTDTNT là rất phổ biến. Tuổi bắt đầu hút thuốc trung bình là 14,7 ± 3,1; tuổi trung bình sử dụng rượu bia là 14,9 ± 2,2. 9,5% học sinh chưa biết gì về tác hại của thuốc lá. Tỷ lệ đã từng sử dụng ma tuý là 2,1%; tỷ lệ sử dụng ma tuý ở học sinh dân tộc Mông và Dao cao hơn các dân tộc khác; tuổi bắt đầu sử dụng ma tuý trung bình là 16,0 ± 1,0. Tỷ lệ quan hệ tình dục ở học sinh là 3,7% và tăng dần theo cấp học. Tỷ lệ này ở học sinh dân tộc H.Mong, dân tộc Dao cao hơn dân tộc khác; có 22,0% học sinh không biết một biện pháp tránh thai nào và 50% học sinh không sử dụng biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục.
Qua đó, đề tài đã đề xuất giải pháp can thiệp thích hợp nhằm hạn chế tác động của các hành vi có hại đối với sức khoẻ và sự phát triển thể chất của học sinh DTTSMN như nhà trường không thể đứng riêng rẽ một mình trong công cuộc rèn luyện và giáo dục học sinh, cần phối hợp với các cơ quan như công an, xã hội và gia đình; cần tăng cường các hoạt động truyền thông về giáo dục sức khoẻ, lối sống lành mạnh cho học sinh trong nhà trường; cần ưu tiên tập trung giải quyết các yếu tố đã biết, đã được minh chứng rõ ràng trong nhà trường (hành vi sử dụng rượu, bia, thuốc lá…); can thiệp sớm trước khi hành vi có hại được hình thành…
LV (nguồn: Tạp Chí Y học thực hành, số 12/2007)