Đánh giá dư lượng tributyltin trong bùn lắng tại hạ lưu sông Sài Gòn
19/07/2013
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Nhóm nghiên cứu Từ Thị Cẩm Loan, Hoàng Thị Thanh Thủy (Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) tiến hành nghiên cứu về sự tồn lưu của tributyltin (TBT) trong bùn lắng tại các cảng thuộc khu vực hạ lưu sông Sài Gòn.
TBT từ nhiều thập kỷ trước đã được sử dụng rộng rãi như chất diệt nấm trong sơn chống hà cho nhiều loại tàu thuyền và vật liệu đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, TBT cũng là một chất ô nhiễm bền trong môi trường tự nhiên, đặc biệt trong bùn lắng. Chỉ một hàm lượng nhỏ cũng có thể gây tác hại cho sinh vật biển và con người như gây biến đổi giới tính ở động vật chân bụng, biến dạng vỏ ốc, gây chảy máu mũi, viêm mũi… Hiện nay chất này đã bị cấm sử dụng.
Nghiên cứu tiến hành với mẫu bùn lắng được lấy dọc bờ sông khu vực cảng Sài Gòn, Tân Cảng, Ba Son. Kết quả cho thấy, TBT vẫn hiện diện trong bùn lắng với 88% trên tổng số các mẫu bùn lắng thu thập được vào hai mùa khô và mưa tại các khu vực cảng nói trên. Hàm lượng TBT ở khu vực cảng Tân Cảng, Ba Son và Sài Gòn dao động tương ứng 13,4-26,0; 4,15-156 và 2,57-164 ng/g trọng lượng khô. Đặc biệt, 37,5% mẫu thu ở khu vực Ba Son cao hơn so với kết quả nghiên cứu trước đây (50,5 ng/g trọng lượng khô); 100% mẫu thử ở khu vực cảng Sài Gòn đều phát hiện TBT. Hàm lượng TBT vào mùa khô cao hơn mùa mưa tại tất cả các vị trí khảo sát. TBT có xu hướng tích lũy trong các trầm tích hạt min (sét). Theo chiều dòng chảy, TBT tăng dần ở vùng hạ lưu sông Sài Gòn.
Nguyên nhân dẫn đến sự tồn lưu của TBT là về mặt hóa học, TBT là một hợp chất cơ kim bền trong môi trường, không bị chuyển hóa do các yếu tố môi trường tự nhiên. Ngoài ra, có khả năng các tàu bè cũ trước đây sử dụng sơn có chứa TBT để bảo vệ thành tàu nhưng vẫn chưa cạo bỏ và sơn phủ lớp mới không có TBT. Sự hiện diện của TBT tại khu vực nghiên cứu sau khi các băn bản quy định cấm sử dụng TBT có hiệu lực cho thấy cần tiến hành các quan trắc thường xuyên để đánh giá mức độ ô nhiễm và đề xuất các giải pháp giảm thiểu phù hợp.
LV (nguồn: TC Khí tượng thủy văn, 1/2013)