Kết quả nghiên cứu bón phân thích hợp cho cà phê vối kinh doanh trên đất đỏ bazan tỉnh Đắk Nông
16/04/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Nguyễn Tiến Sỹ (Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đăk Lắk), PGS.TS Nguyễn Hữu Thành (Trường ĐH Nông nghiệp I) và Phan Thị Thanh Huyền (Khoa Tài nguyên và Môi trường, Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên) thực hiện nghiên cứu bón phân thích hợp cho cà phê vối kinh doanh trên đất đỏ bazan ở tỉnh Đắk Nông trong 3 vụ 2005, 2006, 2007
Nghiên cứu tiến hành 1 thí nghiệm gồm 12 công thức bón phân (từ C1 đến C12) được bố trí trên cà phê vối kinh doanh 10 năm tuổi tại xã Đức Mạnh, huyện Đắk Min, tỉnh Đắk Nông.
Kết quả, một số tính chất đất nghiên cứu trước thí nghiệm: đất đỏ bazan có tầng dày trên 120cm và khá đồng nhất về màu sắc theo chiều sâu của phẫu diện, trừ tầng mặt có màu nâu đậm hơn các tầng dưới… nhìn chung, đất có đặc điểm lý tính rất phù hợp với cây cà phê.
Về ảnh hưởng của phân bón, với cùng 1 nền phân đạm như nhau, cả 2 nguyên tố P, K rất cần cho sinh trưởng phát triển, hình thành năng suất và phẩm cấp hạt của cà phê vối kinh doanh trên đất đỏ bazan tỉnh Đắk Nông. Các tổ hợp không bón lân hoặc kali gây bất lợi cho quá trình hình thành quả, năng suất không cao so với các công thức bón đầy đủ cả 3 nguyên tố N, P, K. Giữa các nguyên tố N, P, K có mối quan hệ qua lại chặt chẽ với nhau, việc phối hợp không hợp lý sẽ làm giảm năng suất và phẩm cấp hạt. Trên đất đỏ bazan với cùng một nền N là 320 kg/ha/năm và K2O thích hợp là 350 kg/ha/năm. Lượng phân bón 320 N – 120 P2O5 – 350 K2O kg/năm (tổ hợp công thức C10) cho 1 ha cà phê vối kinh doanh đã đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của cây và cho năng suất đạt 3,76 tấn nhân/ha, lợi nhuận thu được đạt trên 70 triệu đồng, hiệu quả sử dụng vốn hơn 2 lần. Tỷ lệ phân bón 3,2:1,2:3,5 là tương đối phù hợp với cây cà phê trong giai đoạn kinh doanh. Bên cạnh đó, việc thay thế một phần phân khoáng bằng phân chuồng hoặc thay thế một phần phân urê bằng phân amônsulfat (nhằm bổ sung lưu huỳnh cho cây cà phê) sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Như vậy, bón phân thích hợp, cân đối cho cây cà phê (trong nghiên cứu này là tổ hợp công thức C10) không những tiết kiệm được chi phí phân bón mà còn giúp tăng năng suất cà phê.
LV (nguồn: TC NN&PTNT, số 1/2008)