Cây diêm mạch là cây trồng có nguồn gốc ở Nam Mỹ được trồng và sử dụng
làm lương thực chính cho cư dân vùng này từ cách đây khoảng 10.000 năm. Ảnh: Al Jazeera
Trong làn sóng thay đổi trong thói quen ăn uống những năm gần đây, các loại hạt giàu dinh dưỡng như hồ trăn, óc chó, macadamia, chia, diêm mạch (quinoa)… được quan tâm nhiều hơn. Trong số đó, hạt quinoa là loại thực phẩm cân bằng được các chất như protein, đường, xơ nhưng lại không chứa gluten (1 loại protein gây khó tiêu).
Loài cây này lại không được trồng ở Việt Nam mà được trồng nhiều ở các nước Nam Mỹ xa xôi. Vì vậy, chúng ta phải nhập khẩu diêm mạch với giá thành tương đối cao (giá diêm mạch trên thị trường thế giới là > 4.500 USD/tấn).
Nhận thức được giá trị kinh tế của diêm mạch so với cây trồng khác, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã kết hợp với Đại học Buenos Aires Argentina trong một dự án kéo dài ba năm, nhằm xác định các giống diêm mạch phù hợp với các vùng sinh thái hạn, mặn tại Việt Nam. Dự án thuộc chương trình song phương và đa phương do Bộ Khoa học & Công nghệ và trường Đại học Buenos Aires phối hợp tài trợ.
“Diêm mạch có khả năng canh tác được trong điều kiện nhiệt độ từ -5 đến 37oC; chịu hạn rất tốt - trồng trọt được ở những vùng có lượng mưa trung bình 200mm và được đánh giá là chịu mặn tốt nhất trong các loại cây trồng và thực vật có hoa (tương đương cây ưa mặn- halophyte). Người dân sản xuất diêm mạch ở nhiều vùng nhiễm mặn tưới nước có độ mặn bằng 1/2 độ mặn của nước biển, nó vẫn cho năng suất cao”, PGS.TS. Nguyễn Việt Long, Phó Trưởng ban Hợp tác Quốc tế (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), thành viên nhóm nghiên cứu, chia sẻ. Chính vì vậy, một trong những hướng nghiên cứu của dự án này là tìm hiểu cơ chế tại sao cây diêm mạch lại có khả năng chịu mặn cao đến thế.
PGS.TS. Nguyễn Việt Long (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và GS. Daniel Bertero
(ĐH Buenos Aires Argentina) xem xét một trong số các giống diêm mạch
trong dự án nghiên cứu. Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích hơn 50 giống diêm mạch có nguồn gốc từ nhiều vùng địa lý trên thế giới để xác định các phản ứng khác nhau (variation) của mỗi giống, cùng điều kiện mặn; kết hợp nghiên cứu trong điều kiện quản lý khí hậu (nhà lưới) và điều kiện mặn ngoài thực tế tại một số vùng sinh thái ở Việt Nam.
“Các phản ứng ban đầu đó là cơ sở để chúng tôi chia ra 6 nhóm giống và lựa chọn 6 giống đại diện cho mỗi nhóm để từ đó phân tích sâu hơn về hình thái, sinh lý và phân tử” – PGS.TS. Nguyễn Việt Long cho biết. Ngoài việc đánh giá sinh trưởng trên mặt đất, nhóm nghiên cứu còn đánh giá phản ứng của bộ rễ ở dưới mặt đất để tìm ra cơ chế chịu mặn của cây diêm mạch.
Nghiên cứu phản ứng của bộ rễ với các nồng độ muối khác nhau.
Ảnh: nhóm nghiên cứu cung cấp
Đáng chú ý, với nồng độ muối cao (300mM NaCl) sinh trưởng, phát triển và năng suất cây diêm mạch giảm nhưng không rõ rệt so với đối chứng (không tưới mặn). Các nghiên cứu cũng cho thấy diêm mạch có khả năng chịu hạn tốt, cây có khả năng sống sót và cho năng suất trong điều kiện gây hạn từ 7 - 14 ngày. Cụ thể, tại một số vùng đất nhiễm mặn (Nghĩa Hưng, Hải Hậu – Nam Định, Vĩnh Bảo – Hải Phòng) ở độ mặn từ 1 - 8dS/m (trải dài qua bốn mức độ mặn của đất, bao gồm: mặn ít, mặn trung bình, mặn vừa và mặn nhiều), 6 giống diêm mạch nhập nội vẫn sinh trưởng phát triển và cho năng suất khá. Đặc biệt, một số giống cho năng suất trên 2 tấn/ha tại Nam Định và trên 3 tấn/ha tại Hải Phòng. Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất trong điều kiện nước trời (hoàn cảnh không thể tưới chủ động, phải phụ thuộc vào nước mưa tại các tỉnh trung du miền núi phía bắc cũng cho thấy cây diêm mạch sinh trưởng, phát triển khá thuận lợi, năng suất đạt 1,5 - 3,0 tấn/ha.
Nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Việt Long và các cộng sự đã được đăng trên tạp chí uy tín Agronomy and Crop Science (ISI, Q1) mang tên “Genetic variation in root development responses to salt stresses of quinoa”. "Cùng với đó, nhóm nghiên cứu đang hợp tác với doanh nghiệp để sản xuất thử gần 10 ha cây diêm mạch tại Đăk Lăk, Sơn La, Sóc Trăng", “thời gian tới sẽ có sản phẩm đầu tay” – PGS.TS. Nguyễn Việt Long cho biết thêm.
Sản phẩm thử nghiệm của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Ảnh: nhóm nghiên cứu cung cấp
Những kết quả nghiên cứu trên cho thấy tính khả thi trong phát triển cây diêm mạch tại Việt Nam. Nếu dự án này thành công, nó sẽ là bước ‘đệm’ quan trọng trong phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các vùng hạn và nhiễm mặn.
Nguồn: Anh Thư - khoahocphattrien.vn