SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu tiến triển của độ lọc cầu thận ước tính ở người bệnh đái tháo đường type 2

Tác giả Lê Tuyết Hoa và cộng sự (Bệnh viện Quận 10) thực hiện đề tài nhằm nghiên cứu sự tiến triển của độ lọc cầu thận ước tính (eGFR) ở người đái tháo đường type 2 mắc bệnh ít nhất 5 năm tại Bệnh viện Quận 10.

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh thận mạn và là nguyên nhân hàng đầu của bệnh thận giai đoạn cuối cần phải điều trị thay thế thận. Độ lọc cầu thận được chấp nhận rộng rãi như một công cụ tốt để đo lường chức năng thận, dùng phân loại giai đoạn bệnh và ra quyết định điều trị. Đánh giá eGFR là điều đáng làm nhất cho mục tiêu can thiệp giảm tiến triển bệnh thận.

Đề tài nêu trên thực hiện nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu đánh giá tiến triển của độ lọc cầu thận trên 467 người bệnh ĐTĐ type 2 mắc bệnh ít nhất 5 năm tại Bệnh viện Quận 10. Qua 5 năm theo dõi, kết quả cho thấy, tỷ lệ giảm eGFR ban đầu là 7,5%; tốc độ giảm eGFR trung bình -1,4 ml/ph/1,73m2 mỗi năm. Tỷ lệ giảm nhanh eGFR là 16,9% và tỉ lệ mắc giảm eGFR sau 5 năm là 14,6%. Tốc độ giảm eGFR ở các phân mức albumin niệu A1/A2/A3 là -1,2/-1,6/-2,7 ml/ph/1,73m2/năm. Tỷ lệ giảm nhanh eGFR tương ứng là 13,6%/17,9%/36%.

Yếu tố tiên đoán giảm nhanh eGFR: tăng thêm huyết áp tâm thu mỗi năm theo dõi, OR 1,10 (1,02-1,18), p = 0,011; tăng albumin niệu ban đầu, OR 1,22 (1,02-1,46), p = 0,034; tăng triglyceride huyết tương ban đầu (tăng mỗi 90 mg/dL) OR 1,21 (1,01-1,45), p = 0,049; tăng acid uric ban đầu có ảnh hưởng trên những bệnh nhân chưa giảm chức năng thận: OR 1,21 (1,01-1,46), p = 0,041. HbA1c và HA tâm thu ban đầu không ảnh hưởng đến giảm nhanh eGFR.

Qua đó nhóm tác giả đề xuất bổ sung xét nghiệm hoặc thời gian đánh giá trong việc theo dõi tiến triển bệnh thận ở người ĐTĐ type 2 (theo dõi eGFR ít nhất 3 năm mới có thể nhận định về tốc độ hay xu hướng thay đổi của eGFR), thêm xét nghiệm acid uric huyết thanh, chú ý triglyceride. Đồng thời cần nhấn mạnh công tác sàng lọc người bệnh giảm nhanh eGFR, đánh giá đúng xu hướng tiến triển của eGFR. Việc này đòi hỏi phải theo dõi eGFR hàng năm (mỗi năm xác định trị số eGFR hằng định qua ít nhất 2 lần thử) và liên tục trong ít nhất 3-5 năm. Những can thiệp cụ thể dựa trên yếu tố nguy cơ tìm thấy, bao gồm kiểm soát albumin niệu đặc biệt trên người có albumin niệu lượng nhiều; kiểm soát huyết áp đạt mục tiêu trong suốt quá trình điều trị; kiểm soát triglyceride huyết tương đạt mục tiêu khuyến cáo của Hội ĐTĐ Hoa Kỳ và Hội Thận học Quốc tế; bổ sung acid uric huyết thanh vào danh sách các xét nghiệm sàng lọc biến chứng mạn hàng năm cho người ĐTĐ type 2 để có thêm thông tin về mức độ nguy cơ tiến triển nhanh eGFR.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả