Khi hỏi các nhà khoa học ở các viện, trường rằng một trong những điều khó nhất khi đăng ký bảo hộ sáng chế cho kết quả nghiên cứu là gì, chắc hẳn một trong những câu trả lời thường gặp nhất là viết bản mô tả sáng chế (bao gồm phần mô tả chi tiết sáng chế và phạm vi bảo hộ sáng chế) - tài liệu bắt buộc khi nộp đơn đăng ký bảo hộ. Để viết bản mô tả sáng chế, không chỉ cần hiểu biết về lĩnh vực kỹ thuật của sáng chế mà người viết còn phải nắm chắc các quy định riêng về cách viết - vốn khá phức tạp với những người còn thiếu kinh nghiệm.
Giám định sở hữu trí tuệ là điều cần thiết để xác định vi phạm trong các trường hợp tranh chấp các nhãn hiệu hàng hóa tương tự gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Ảnh minh hoạ: Tấn Thạnh - NLĐ
Do vậy, nhiều người đã chọn một cách làm đơn giản hơn là nộp đơn thông qua các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp - nơi cung cấp các dịch vụ liên quan đến xác lập và thực thi quyền sở hữu công nghiệp dưới sự ủy quyền của khách hàng. Cách làm này tuy đòi hỏi thêm một khoản chi phí nhưng họ sẽ giúp người đăng ký khỏi phải lo “từ A đến Z”.
Trong trường hợp này, năng lực của người đại diện sở hữu công nghiệp sẽ là một trong những yếu tố quyết định tới khả năng được cấp bằng bảo hộ của sáng chế. Bởi lẽ, không phải đơn đăng ký sáng chế nào cũng được chấp thuận ngay từ lần đầu tiên. Sau khi nộp lên Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), đơn sẽ phải trải qua các vòng thẩm định hình thức và nội dung nghiêm ngặt, nếu có vấn đề, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thông báo cho người nộp đơn chỉnh sửa lại cho phù hợp. Nếu người đại diện có năng lực tốt, quá trình “trao đổi” giữa hai bên sẽ được rút ngắn, và ngược lại.
Quy định ảnh hưởng đến chất lượng nhân lực
Việc tham gia vào các hiệp định thương mại quốc tế, mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài bước vào thị trường Việt Nam, kết hợp với các chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nước khiến nhu cầu đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp ngày càng gia tăng. Điều này cũng kéo theo sự gia tăng số lượng của các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp ở Việt Nam. “Nếu năm 2006 mới có 65 tổ chức với 237 người được cấp chứng chỉ đại diện thì đến năm 2016 đã tăng gần gấp ba lần, với 170 tổ chức và 315 người được cấp chứng chỉ đại diện. Số lượng đơn đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp nộp thông qua các tổ chức dịch vụ đại diện chiếm tỷ lệ cao và tăng dần qua các năm”, theo thống kê năm 2017 của TS. Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN (Bộ KH&CN).
Có một điều đáng lo ngại là chất lượng dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp ở Việt Nam hiện nay đang bị suy giảm do… các quy định có phần chưa phù hợp. Trước kia, điều kiện cần để hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp là “tốt nghiệp đại học chuyên ngành pháp lý, kỹ thuật” (Nghị định 63/1996/NĐ-CP về sở hữu công nghiệp), sau đó sửa đổi theo Nghị định 06/2001/NĐ-CP thành “tốt nghiệp đại học”, tức là chấp nhận tất cả các chuyên ngành đào tạo. Kể từ đó, “chất lượng người đại diện sở hữu công nghiệp giảm đi rất nhiều, thể hiện ở lượng đơn nộp vào Cục SHTT thông qua đại diện bị từ chối hoặc phải bổ sung thiếu sót ngay từ khâu thẩm định hình thức, khả năng lập luận, trao đổi trực tiếp của người đại diện với cơ quan có thẩm quyền xác lập và thực thi quyền sở hữu công nghiệp”, theo báo cáo phân tích dự thảo sửa đổi Luật SHTT.
Điều này không chỉ kéo dài thời gian cấp bằng, ảnh hưởng đến việc phát triển hoặc thương mại hóa sáng chế của chủ sở hữu mà còn góp phần làm giảm tốc độ xử lý đơn của Cục SHTT.
Những tác động này càng thể hiện rõ hơn với những sáng chế có phần kỹ thuật phức tạp. Chúng tôi từng gặp một doanh nghiệp muốn đăng ký bảo hộ sáng chế thuộc lĩnh vực dược phẩm, khi nhờ đến đại diện sở hữu công nghiệp thì ai cũng không nhận vì lý do viết bản mô tả của sáng chế này… khó quá. Cuối cùng, doanh nghiệp phải “tự thân vận động” viết bản mô tả sáng chế, dù mất khá nhiều thời gian do chưa quen với việc này.
Trước thực tế này, dự thảo sửa đổi Luật SHTT đã đề xuất yêu cầu người đại diện phải có bằng đại học chuyên ngành pháp lý với mọi lĩnh vực đại diện sở hữu công nghiệp (sáng chế, nhãn hiệu, giải pháp hữu ích,...) và có thêm bằng tốt nghiệp chuyên ngành khoa học kỹ thuật đối với lĩnh vực sáng chế. “Việc đưa ra quy định này là điều cần thiết để nâng cao chất lượng của hệ thống dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp ở Việt nam hiện nay”, theo báo cáo đánh giá dự thảo.
Ngoài mục tiêu trên, đề xuất này cũng phù hợp với xu hướng quốc tế. Phần lớn các nước trên thế giới như Mỹ, châu Âu,... đều yêu cầu người hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành pháp lý. Ngoài ra, theo cam kết của Việt Nam trong hiệp định thương mại WTO, dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được coi là dịch vụ giấy tờ pháp lý, do vậy, người thực hiện dịch vụ này cần có nền tảng cơ bản về pháp lý để đảm bảo hiệu quả hoạt động trong thực tiễn.
Mở rộng đầu ra về giám định sở hữu trí tuệ
Trong khi các tiêu chuẩn về đại diện sở hữu công nghiệp bị “siết chặt” thì những thay đổi về giám định SHTT lại có phần “thả lỏng” hơn. Cụ thể, dự thảo đề xuất bãi bỏ yêu cầu “tổ chức giám định phải có nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động giám định”. Việc cắt bỏ điều kiện trên đã tháo gỡ vướng mắc bấy lâu nay của các cơ quan quản lý vì “phải thẩm định cơ sở vật chất - kỹ thuật khi cấp giấy chứng nhận hoạt động cho các tổ chức giám định SHTT, trong khi tiêu chí cụ thể cho việc thẩm định lại không có, thực tế công việc này cũng không đòi hỏi khắt khe về cơ sở vật chất kỹ thuật”, theo phân tích dự thảo.
Nhiều người kỳ vọng đề xuất này sẽ phần nào khắc phục vấn đề thiếu tổ chức giám định SHTT hiện nay. “Đây là vấn đề rất bức xúc, nhu cầu rất lớn nhưng hiện nay số lượng giám định viên còn rất hạn chế”, Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí nhận xét trong hội thảo “Tham vấn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ” do Bộ KH&CN phối hợp tổ chức với Bộ VH, TT&DL và Bộ NN&PTNT vào tháng ba vừa qua. Mặc dù có vai trò quan trọng trong việc xử lý các vụ tranh chấp, xâm phạm, khiếu nại, tố cáo về sở hữu công nghiệp song theo thống kê của Cục Thông tin KH&CN quốc gia năm 2017, Việt Nam chỉ có bốn giám định viên và một tổ chức công lập đủ điều kiện cung ứng dịch vụ này.
Con số ít ỏi này đang ngày càng bị thách thức bởi những “làn sóng” vụ việc cần giám định SHTT ngày càng tăng như hiện nay, góp phần làm giảm tốc độ xử lý. Chẳng hạn như trường hợp tranh chấp bản quyền phần mềm hệ thống website giữa Công ty TNHH Văn hóa Đông Tây với công ty TNHH QGS từ năm 2012. Sau khi thụ lý đơn kiện, Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng đã gửi công văn các Sở VH, TT&DL và Sở TT&TT để giới thiệu tổ chức giám định về hành vi xâm phạm quyền tác giả. Tuy nhiên, đến năm 2014, vụ việc mới được giải quyết vì mãi không tìm được ai đủ khả năng giám định.
Đề xuất tương tự cũng được áp dụng với quy định về giám định viên. Theo đó, bãi bỏ điều kiện “đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra về giám định” và thay bằng “có chứng chỉ đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định”. Theo phân tích dự thảo, “quy định này sẽ tạo điều kiện cho các cá nhân có nhiều cơ hội hơn để tự bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ trước khi đề nghị cấp thẻ giám định viên, đồng thời tạo thuận lợi hơn trong việc huy động nguồn lực xã hội tham gia vào đào tạo và đánh giá nghiệp vụ giám định viên, đặc biệt các chuyên gia có kinh nghiệm và uy tín lâu năm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ”.
Dự thảo sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ ảnh hưởng đến “đầu vào” trong kì thi nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp tại Cục SHTT. Để được cấp chứng chỉ hành nghề, người đại diện bắt buộc phải vượt qua kì thi này. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, phần lớn các thí sinh không tốt nghiệp đại học chuyên ngành Pháp lý đều không đạt môn thi Pháp luật sở hữu công nghiệp. |
Nguồn: Thanh An - khoahocphattrien.vn