Nghiên cứu tiêu nước hố móng sâu bằng biện pháp hạ thấp mực nước ngầm
28/04/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do tác giả Lương Văn Anh (Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn) thực hiện nghiên cứu tiêu nước hố móng sâu bằng biện pháp hạ thấp mực nước ngầm.
Trong quá trình thi công các công trình, với những hố móng sâu nằm dưới mực nước ngầm, khi đào móng gặp rất nhiều khó khăn, nhiều khi không thực hiện được hoặc kéo dài thời gian thi công gây tốn kém. Để đảm bảo hố móng luôn khô ráo tạo thuận lợi cho thi công và đảm bảo chất lượng công trình người ta phải hạ thấp mực nước ngầm.
Theo đó, nghiên cứu này đã đưa ra 2 phương pháp hạ thấp mực nước ngầm bằng giếng thường và giếng kim. Phương pháp giếng kim phổ biến sử dụng ống lọc với bơm hút sâu, thiết bị kim lọc hoặc hút nước lộ thiên; nhược điểm lớn nhất là mất chân không tức là hiện tượng hút không khí vào ống hút, chỉ cần mực nước ngầm hạ thấp hơn mặt trên của đoạn lọc là ống lọc bị hở, giếng mất chân không sẽ ngừng làm việc, có thể dẫn đến cả hệ thống ngừng làm việc…; ưu điểm là có kết cấu đơn giản, gọn nhẹ, thời gian hạ và lắp ráp ngắn, hoạt động nhanh chóng khi hạ mực nước ngầm do các kim lọc được bố trí gần nhau... Phương pháp giếng thường gồm ống chống, ống lọc và ống lắng (ống chìm), máy bơm hút nước ở mỗi giếng, ống tập trung nước, trạm bơm và ống dẫn xả nước…; ưu điểm là thích hợp với các tầng địa chất có hệ số thấm lớn như cát, cuội sỏi, những giếng có lưu lượng lớn hoặc những giếng có nguồn bổ sung lưu lượng lớn, tuy nhiên thi công phương pháp này nếu gặp tầng cát thì thường tốn kém và đòi hỏi phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật như thiết kế đề ra…
Như vậy, trong quá trình thi công các công trình, việc lựa chọn phương pháp hạ thấp mực nước ngầm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố tự nhiên và thiết bị thi công. Lựa chọn hợp lý sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm thời gian thi công. Nếu không hợp lý đôi khi dẫn đến thất bại hoặc giá thành xây dựng tăng lên. Mỗi phương pháp có phạm vi sử dụng thích hợp nên khi thiết kế cần nghiên cứu chính xác điều kiện nền móng, thiết bị cung cấp, thời gian thi công và yêu cầu kỹ thuật để lựa chọn một phương pháp hạ thấp mực nước ngầm cho hợp lý.
LV (nguồn: TC NN&PTNT, số 1/2008)