Nghiên cứu về tần suất và các yếu tố nguy cơ của tình trạng tăng áp lực khoang bụng, hội chứng chèn ép khoang bụng
29/10/2015
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Th.S.BS Nguyễn Anh Dũng và nhóm cộng sự ở khoa Ngoại, bệnh viện Nhân dân Gia định TP.HCM, vừa hoàn thành nghiên cứu về nội dung nói trên. Đây là một vấn đề rất mới trong y khoa, kết quả của nghiên cứu này sẽ giúp nâng cao hơn chất lượng điều trị bệnh, vì khi nhận biết được những yếu tố nguy cơ, sẽ dự đoán được tiến triển của bệnh. Đặc biệt khi đã chẩn đoán được tình trạng tăng áp lực khoang bụng, hội chứng chèn ép khoang bụng sẽ giúp cải thiện tỉ lệ sống của người bệnh...
Theo Th.S.BS Nguyễn Anh Dũng tăng áp lực khoang bụng (TALKB) và hội chứng chèn ép khoang bụng (HCCEKB) là bệnh thường gặp ở những bệnh nhân nặng, và phẩu thuật. Tình trạng này có liên quan đến các biến chứng, và tỉ lệ tử vong ở những bệnh nhân đang nằm điều trị ở khoa hồi sức tích cực, hay ngoại khoa. Kết quả nghiên cứu đã ghi nhận có khoảng 10% bệnh nhân điều trị tại các khoa hồi sức tích cực, hoặc ngoại khoa bị xuất hiện HCCEKB, hay TALKB.
Một thống kê từ các Trung tâm hồi sức ở châu Âu, Nam mỹ cho biết TALKB xảy ra gấp 3, 3 lần nếu người bệnh được truyền nhiều dịch; hay 7, 3 lần khi được truyền nhiều máu. Tỉ lệ tử vong của HCCEKB, hay TALKB trong khoảng 10 năm qua ngày một gia tăng, từ 25% đã tăng đến 75%. Hiện nay Việt Nam chưa có nhiều nghiêu cứu về HCCEKB, hay TALKB, nên chưa có số liệu thống kê đầy đủ, chính xác về tình trạng này.
Mới đây có một nghiên cứu về vấn đề này tại Việt Nam, được thực hiện tại bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, tuy nhiên chỉ dừng lại ở mức xác định áp lực khoang bụng của 3 nhóm bệnh nhân sau phẩu thuật chương trình, sau phẩu thuật cấp cứu bệnh vùng bụng, và theo dõi bụng ngoại khoa.
Nhóm nghiên cứu của ThS. BS Nguyễn Anh Dũng đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát trên 384 bệnh nhân tại khoa hồi sức tích cực nội, và khoa ngoại của bệnh viện nhân dân gia định TP.HCM (thời gian thực hiện là 2 năm). Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố nguy cơ của HCCEKB, hay TALKB là ở các bệnh nhân có chỉ số khối cơ thể cao, bị liệt ruột, viêm tụy cấp, phẩu thuật bụng, nhiễm trùng huyết...
Nhóm nghiên cứu cho rằng, cần phải thực hiện đo áp lực khoang bụng cho các bệnh nhân ở khoa hồi sức tích cực nội, và khoa ngoại. Nhất là với các bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ đã nêu ở trên. Việc làm này sẽ góp phần ngăn ngừa, và phát hiện sớm tình trạng HCCEKB, TALKB giúp giảm biến chứng và tử vong.
Nguồn: khoahocphothong.com.vn