Hiệu quả của một số biện pháp phòng chống loãng xương ở người trên 45 tuổi tại TP.HCM
Kim Tiến
10/09/2018
KH&CN trong nước
Nhóm tác giả Nguyễn Trung Hòa, Nguyễn Văn Tập, Nguyễn Thị Thắm (Trung tâm Y tế Dự phòng quận Gò Vấp) và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu đánh giá hiệu quả một số biện pháp can thiệp cộng đồng phòng chống loãng xương ở người từ 45 tuổi trở lên trong năm 2013–2015 tại TP.HCM. Mục đích của nghiên cứu là nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh, cũng như tìm ra biện pháp làm giảm tỷ lệ mắc mới và tầm soát bệnh loãng xương hiệu quả.
Loãng xương là một loại bệnh thầm lặng ở người cao tuổi, thường gây biến chứng gãy xương nên đòi hỏi chi phí chăm sóc và điều trị cao. Bệnh đã trở thành một trong những vấn đề sức khỏe mang tính toàn cầu và là gánh nặng lên ngân sách y tế của nhiều quốc gia. Trên thế giới, đã có nhiều nước triển khai thực hiện phòng chống bệnh loãng xương nhằm nâng cao nhận thức của người dân ở nhiều lứa tuổi, đồng thời dành nhiều sự quan tâm cho việc tăng cường các phương tiện tầm soát và chẩn đoán sớm bệnh. Tuy nhiên, các thiết bị tầm soát loãng xương tại Việt Nam hiện nay vẫn còn rất hạn chế so với nhu cầu của người bệnh. Do đó, việc đánh giá hiệu quả của một số biện pháp can thiệp cộng đồng để phòng chống loãng xương ngay từ ban đầu là rất cần thiết trong thời buổi hiện nay.
Để thực hiện đề tài, các nhà nghiên cứu đã tiến hành những nội dung sau: xác định tỷ lệ và một số yếu tố liên quan đến loãng xương ở người từ 45 tuổi trở lên tại TP.HCM; so sánh mật độ xương bằng kỹ thuật DXA (hấp thụ X-quang năng lượng kép) ngoại biên tại đầu xa xương cẳng tay với DXA trung tâm; đánh giá hiệu quả của một số biện pháp can thiệp cộng đồng như truyền thông giáo dục thay đổi hành vi, thực hiện chế độ ăn giàu can-xi, tập luyện thể lực và phòng chống té ngã.
Kết quả cho thấy, tỉ lệ người dân mắc bệnh loãng xương cao (37,9%, nam giới mắc bệnh thấp hơn nữ giới) và có xu hướng tăng dần theo độ tuổi. Nhóm có nguy cơ mắc cao nhất là phụ nữ mãn kinh với tỷ lệ 54,6%. Bên cạnh giới tính và độ tuổi, các yếu tố khác có liên quan đến tình trạng bệnh là nghề nghiệp, học vấn, lạm dụng rượu bia và thuốc lá,… Mặt khác, có thể cải thiện tình trạng bệnh bằng cách tập thể dục, có kiến thức, thái độ và thực hành tốt về phòng chống loãng xương.
Bên cạnh đó, hiệu quả của việc thực hiện các biện pháp can thiệp cộng đồng cho thấy, tỷ lệ người dân nhận được thông tin về bệnh đạt 81,9%; thực hiện chế độ ăn uống bổ sung canxi là 80,8% (tăng 11,2%); tập thể dục thường xuyên là 75,8% (tăng 14,6%) và có kiến thức tốt về bệnh là 47% (tăng 16,4%).