Thông báo kết quả nghiên cứu khoa học xã hội Nam bộ 2008
10/11/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Nhằm giới thiệu và trao đổi về các kết quả nghiên cứu khoa học xã hội ở Nam bộ và về Nam bộ trong thời gian 2006 – 2008, ngày 7-8/11 tại TP.HCM, Viện phát triển bền vững vùng Nam bộ kết hợp với Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức hội nghị “Thông báo kết quả nghiên cứu khoa học xã hội Nam bộ 2008”.
Hội nghị quy tụ hàng trăm báo cáo tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ các trường, viện nghiên cứu, cơ quan, đơn vị… trên địa bàn Nam bộ. Hội nghị được tổ chức thành 7 chủ đề: Những vấn đề chung của sự phát triển Nam bộ (gồm các báo cáo nghiên cứu như: Tổng quan hoạt động nghiên cứu khoa học về Nam bộ giai đoạn 2006-2008 của trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM; Quan hệ giữa TP.HCM – Nhật Bản trên lĩnh vực kinh tế - văn hóa: Tiềm năng và triển vọng; Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – nghiên cứu và phát triển; Nhìn lại quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL…); Kinh tế Nam bộ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực (gồm các báo cáo như một số quan điểm và giải pháp phát triển kinh tế bền vững của hội nhập kinh tế quốc tế; Toàn cầu kinh tế - tiếp cận từ quan điểm duy vật biện chứng; Quan niệm về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cơ cấu kinh tế vùng ĐBSCL trong tầm nhìn thị trường toàn cầu…); Các vấn đề chính trị, pháp luật và hành chính (gồm các báo cáo như: Một số vấn đề về đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng xã, phường, thị trấn ở Đồng Nai hiện nay; Đổi mới mô hình chính quyền đô thị TP.HCM; Giải pháp phát huy động lực cải cách hành chính ở TP.HCM hiện nay…); Các vấn đề xã hội và giáo dục (gồm các báo cáo như: Vấn đề của người nhập cư vào TP.HCM; Các giải pháp bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tiểu học ĐBSCL…); Các vấn đề văn hóa, văn học và ngôn ngữ (gồm các báo cáo như: Văn hóa và hiện đại hóa – nhìn trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay; Con người và văn hóa Nam bộ trong truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc; Chức năng văn hóa – xã hội của tiếng Việt ở Nam bộ…); Dân tộc và tôn giáo trong hợp tác và phát triển (gồm các báo cáo như: Đặc điểm về cộng đồng người Hoa Hải Nam tại xã Bình An, huyện Kiều Lương, tỉnh Kiên Giang; Người Chăm Nam bộ trong tiến trình phát triển xã hội; Chức năng của Phật giáo đối với vấn đề xã hội…); Lịch sử Nam bộ (gồm các báo cáo như: Vùng di tích Cát Tiên – những khám phá mới; Kết quả nghiên cứu khảo cổ học ở Đồng Nai năm 2006-2008; Đồ đá tiền sử ven sông Cửa Cạn – Phú Quốc, Kiên Giang…).
Hội nghị hy vọng sẽ cung cấp một cách tổng quát và hữu ích các cơ sở thông tin và tri thức khoa học xã hội cho công tác quản lý và các định hướng nghiên cứu trong thời gian tới; tăng cường hợp tác, nâng cao vai trò và năng lực của giới nghiên cứu xã hội Nam bộ; tạo ra động lực mới cho sự phát triển của nghiên cứu xã hội ở Nam bộ trong những năm tới; làm cho khoa học xã hội trở nên gần gũi, có tác dụng và hấp dẫn hơn đối với sinh viên, thanh niên và công luận.
Lam Vân