Tạo tế bào nấm men mang kháng nguyên virút H5N1 và kiểm chứng khả năng tạo kháng thể đặc hiệu
05/01/2009
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Virút H5N1 đã và đang gây tổn thất nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi cũng như sức khỏe con người. Trong các phương pháp phát triển vắc-xin phòng bệnh cho gia cầm, vắc-xin đường miệng đang được chú ý, đặc biệt là vắc-xin đường miệng bằng tế bào nấm men Saccharomyces cerevisisae với nhiều ưu điểm như rất an toàn, chi phí sản xuất thấp, tính ổn định cao, không cần bảo quản lạnh, dễ dàng sử dụng cho gia cầm qua đường miệng thông qua phối trộn với thức ăn gia cầm…
Nhằm ứng dụng công nghệ gen và công nghệ bề mặt tế bào để biểu hiện gen mã hóa các kháng nguyên tiềm năng của virút cúm H5N1 trên bề mặt tế bào nấm men tạo cơ sở cho việc phát triển vắc-xin dạng tế bào tái tổ hợp từ sinh khối của dòng virút sinh vật dùng cho gia cầm, ThS. Trần Thị Hồng Kim đã thực hiện đề tài nghiên cứu “tạo tế bào nấm men mang kháng nguyên virút H5N1 và kiểm chứng khả năng tạo kháng thể đặc hiệu”. Đề tài do Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM chủ trì, vừa được Sở KH&CN TP.HCM nghiệm thu ngày 31/12/2008.
Theo đó, đề tài đã tạo được 2 dòng E.coli DH5α mang các gen mã hóa các kháng nguyên tiềm năng của virút cúm H5N1 gây bệnh cúm trên gia cầm (ký hiệu là E.coli DH5α/HA và E.coli DH5α/hNA). Đã tạo được 2 dòng tế bào nấm men Saccharomyces cerevisiae mang biểu hiện kháng nguyên HA/NA của H5N1 trên bề mặt tế bào (ký hiệu là MT8-1/HA và MT8-1/hNA). Tác giả cũng chứng minh được khả năng gây đáp ứng miễn dịch của các dòng nấm men tái tổ hợp MT8-1/HA và MT8-1/hNA bằng đường màng nhầy, các kháng thể tạo ra từ các dòng nấm men tái tổ hợp này có khả năng nhận diện chuyên biệt kháng nguyên HA hay NA của virút cúm A/H5N1. Mức độ hình thành kháng thể đặc hiệu của các dòng nấm men tái tổ hợp MT8-1/HA và MT8-1/Hna khi gây đáp ứng miễn dịch bằng đường màng nhầy cho thấy vượt trội hơn so với lượng kháng thể sau khi gây đáp ứng miễn dịch bằng đường tiêm chủng.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả của đề tài trong việc góp phần phát triển một loại vắc-xin tái tổ hợp với đặc điểm an toàn, giá thành thấp, có thể dễ dàng sản xuất ở quy mô lớn, đáp ứng công tác tiêm phòng diện rộng cho các đàn gia cầm.
Lam Vân