Tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính từ hệ thống xe buýt nhanh tại TP. HCM
13/12/2014
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Các tác giả Bảo Thạnh, Lê Ánh Ngọc (Phân viện Khí tượng thủy văn và Môi trường phía Nam), Nam Seung Suk (Shinsung Engineering) tập trung nghiên cứu ước tính lượng giảm phát thải khí nhà kính khi toàn bộ 8 tuyến BRT (xe buýt nhanh) đi vào vận hành vào năm 2020. Đây là cơ sở ban đầu để xây dựng và triển khai các dự án giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông tại TP. HCM trong thời gian tới.
Tại TP. HCM, cùng với sự gia tăng của dân số là sự gia tăng của phương tiện đi lại cá nhân, dẫn đến sự tăng lên của phát thải khí nhà kính CO2 và ô nhiễm không khí. Một trong những giải pháp đang được UBND Thành phố đưa ra là vận động người dân thành phố đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng hoặc phương tiện không có động cơ thay cho phương tiện cơ giới cá nhân. Hiện nay, xe buýt là phương tiện giao thông công cộng duy nhất tại thành phố nhưng tỷ lệ sử dụng xe buýt còn rất khiêm tốn. Bên cạnh việc xây dựng và triển khai loại hình phương tiện công cộng mới như tàu điện ngầm thì việc cải thiện hệ thống xe buýt là rất cần thiết. Với sự hỗ trợ của chính phủ Hàn Quốc, 8 tuyến BRT đã được nghiên cứu và đề xuất nhằm góp phần giải quyết khó khăn về giao thông và giảm lượng phát thải khí nhà kính CO2, nguyên nhân gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu.
Ước tính tổng khoảng cách đi lại theo loại phương tiện khi vận hành 8 tuyến xe buýt nhanh vào năm 2020 là 11,9 triệu VKT (khoảng cách đi lại, đơn vị tính km) đối với xe máy; 2,1 triệu VKT đối với ô tô; 1,18 triệu VKT đối với xe buýt. Đến 2020, nếu triển khai 8 tuyến BRT thì tổng lượng giảm phát thải là 329,825 tấn CO2/năm. Trong đó, tuyến thứ 7 (Trường Sơn – Quách Thị Trang – Trường Sơn) có lượng giảm phát thải lớn nhất trong 8 tuyến (71.399 tấn CO2/năm). Tuyến thứ 7 cũng là tuyến được tiến hành thiết kế chi tiết. Dự án bước đầu đưa ra nghiên cứu tiền khả thi để xây dựng các dự án giảm phát thải. Do đó, tổng lượng phát thải CO2 và tổng lượng giảm phát thải CO2 tương đương cần được nghiên cứu thêm khi xây dựng và triển khai các dự án giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải.
LV (nguồn: HN KHCN ĐH Tài nguyên và Môi trường TP. HCM lần 2-2014)