SpStinet - vwpChiTiet

 

Khả năng áp dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI cho vùng đất không chủ động nước

Đề tài do các tác giả Phạm Thị Thu (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn) và Hoàng Văn Phụ (ĐH Thái Nguyên) thực hiện nhằm xác định ảnh hưởng của một số biện pháp kỹ thuật SRI (System of Rice Intensification) tới sinh trưởng, phát triển và năng suất của giống lúa Khang dân 18 (KD18) và giống lúa Bao thai ở vụ mùa 2010 trên đất không chủ động nước tại Bắc Kạn.

Công thức thí nghiệm là sự phối hợp của 3 yếu tố cơ bản của SRI là tuổi mạ, mật độ cấy, và số lần làm cỏ (sử dụng cào cỏ). Công thức đối chứng là kỹ thuật người dân địa phương đang áp dụng với 2 giống lúa nói trên.

Kết quả cho thấy, các yếu tố kỹ thuật của SRI đã tạo môi trường thuận lợi cho các đặc điểm di truyền của lúa phát huy tác dụng làm tăng khả năng sinh trưởng và phát triển của lúa ngay cả trên đất không chủ động nước. Cấy mạ non, cấy thưa, cấy lúa không bị cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng với nhau nên số lượng rễ, chiều dài rễ và đường kính rễ đều tăng hơn so với đối chứng ở cả 3 thời kỳ làm đòng, trỗ và chín. Đây là ưu thế của SRI giúp cho rễ lúa ăn sâu hơn, tăng khả năng hút nước và dinh dưỡng ở tầng đất sâu, giúp cho lúa có khả năng chịu hạn tốt hơn và chống đổ tốt hơn.

Đặc điểm này rất có ý nghĩa trong sản xuất lúa trên vùng đất không chủ động nước, tăng khả năng thích ứng với nguy cơ lượng mưa thay đổi ngày càng tăng do biến đổi khí hậu. Các công thức áp dụng SRI mặc dù có số bông/m2 thấp hơn so với đối chứng nhưng lại có ưu thế vượt trội về bông to, số hạt chắc/bông, do đó đạt năng suất tăng cao. Khuyến cáo canh tác lúa trên đất không chủ động nước có thể áp dụng tuổi mạ 2,5 lá, mật độ cấy 25 khóm/m2, làm cỏ sớm bằng cào 2 lần/vụ cho cả giống Bao thai và Khang dân 18.
LV (nguồn: TC KH&CN Nông-Sinh-Y, ĐH Thái Nguyên, số 5-2014)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả