SpStinet - vwpChiTiet

 

Hệ thống thoát hiểm cho các khu nhà phố liền kề

Hệ thống gồm các module thang cố định và di động, khi kích hoạt các module sẽ tự động lắp ghép vào nhau theo thứ tự để tạo thành một thang liền mạch. Sản phẩm mới được nghiên cứu, chế tạo nội địa, phù hợp với điều kiện thực tế các khu nhà phố liền kề, đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho một bộ phận dân cư.

Đây sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và ứng dụng hệ thống thoát hiểm cho nhà phố liền kề khi hỏa hoạn xảy ra” do Viện Khoa học An toàn Vệ sinh lao động TP.HCM chủ trì thực hiện, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2019.

TS. Nguyễn Ngọc Hải (chủ nhiệm đề tài) cho biết, hiện nay có rất nhiều công trình xây dựng nhà phố trên cả nước, hầu hết đều không trang bị hệ thống thoát hiểm khi có hỏa hoạn. Mặt khác, sản phẩm thoát hiểm thường chỉ trang bị cho những công trình lớn. Theo báo cáo của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP.HCM, Thành phố có 1.335.126 nhà ở hộ gia đình (chưa tính đến các căn hộ chung cư, nhà khu đô thị), với 57.241 căn có nguy cơ cháy rất cao, do làm từ vật liệu dễ bắt cháy và hệ thống điện chưa đảm bảo. Ngoài ra, có đến 39.895 nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, có nguy cơ cháy rất cao. Theo thống kê còn chưa đầy đủ trên địa bàn TP.HCM, nguy cơ cháy nổ đang rình rập và sẵn sàng xảy ra bất cứ lúc nào.

Trong các vụ cháy, vấn đề quan trọng nhất là sinh mạng con người. Thiết bị thoát hiểm là nhân tố góp phần hạn chế nguy cơ mắc kẹt trong đám cháy. Thực tế, các khu nhà phố có kết cấu từ 5 tầng trở xuống chiếm lượng lớn ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Nhà phố dạng này thường xây dựng san sát nhau và hầu như không được trang bị thang thoát hiểm; người dân đa phần chưa có ý thức trang bị thiết bị thoát hiểm cá nhân; công tác cứu hộ, chữa cháy cũng rất khó thực hiện, đặc biệt là với những khu nhà phố trong hẻm. Từ khi bắt đầu hỏa hoạn người gặp nạn vẫn còn thời gian để thoát ra nhưng do không có thang thoát hiểm hoặc không có thiết bị thoát hiểm cá nhân nên bị mắc kẹt bên trong và thiệt mạng. Ngoài ra, nhà phố thường được rào chắn kỹ lưỡng để chống trộm sẽ rất nguy hiểm nếu có hỏa hoạn xảy ra. Nhiều vụ cháy gây chết người trong những năm 2017, 2018 có nguyên nhân do rào chắn chống trộm ngăn chặn đường thoát hiểm của người trong nhà khi xảy ra hỏa hoạn.

Với đề tài nêu trên, nhóm tác giả đã nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng thành công hệ thống thang thoát hiểm cho nhà phố 4 tầng gồm 1 tầng trệt và 3 tầng lầu. Cụ thể, hệ thống thang thoát hiểm chế tạo có tải trọng 225 kg, gồm khung sườn chứa 1 module thang cố định (a) và 3 module thang di động (b), (c), (d). Mỗi module thang thoát hiểm gồm thang, cơ cấu trượt xoắn và bộ phận kích hoạt. Thang cố định, di động dài 3,3m; khung sườn 0,3x1,9m; cơ cấu kích hoạt: 3 bộ; thời gian lắp ghép hệ thống là 6 giây.

Hệ thống thoát hiểm được lắp cố định vào vị trí ban công ở tầng cao nhất. Cơ cấu thang cố định (a) được liên kết với khung sườn của hệ thống có tác dụng giữ toàn bộ các cơ cấu thang còn lại. Tại các tầng đều có bộ phận kích hoạt, khi hỏa hoạn thì người gặp nạn bên trong chỉ cần kích hoạt hệ thống thoát hiểm sẽ hoạt động. Quá trình lắp ghép tự động hệ thống thoát hiểm như sau: thang (d) chuyển động rơi xuống nhờ trọng lực và lắp ghép vào thang (c) rơi xuống và lắp ghép vào thang (b). Cuối cùng quá trình lắp ghép được 1 thang hoàn chỉnh liên thông từ tầng 3 xuống tầng trệt. Lúc này người gặp nạn bên trong có thể di chuyển theo thang xuống nơi an toàn.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Hải, hệ thống thang thoát hiểm này có rất nhiều ưu điểm như tính thẩm mỹ cao do toàn bộ cơ cấu nằm trong hộp và được thiết kế phù hợp với điều kiện thực tế của nhà phố; nhỏ gọn, dễ dàng lắp đặt ở những không gian nhỏ hẹp, không chiếm nhiều diện tích; giúp phòng, chống kẻ gian xâm nhập. Ngoài ra, cơ cấu trượt cơ, không sử dụng điện nên tính bền cao và đảm bảo hoạt động tốt trong lúc hỏa hoạn. Nguyên lý trượt xoắn giúp dễ dàng kích hoạt cơ cấu tiếp theo. Cơ cấu xoắn tạo lắp ghép giữa 2 thang và lực kéo xuống càng lớn thì cơ cấu xoắn càng ép lại. Vì thế sau khi 2 thang được ghép với nhau sẽ không có tình trạng bung ngược trở lại. Hệ thống thang bằng kim loại, nên độ cứng vững cao hơn thang dây; khi gặp hỏa hoạn, người cần thoát hiểm có thể kích hoạt dễ dàng.

Hiện các sản phẩm thoát hiểm cho các khu nhà phố liền kề rất ít và hầu như rất khó phát huy tác dụng khi xảy ra cháy nổ. Sản phẩm của đề tài được tính toán khoa học và đã thử nghiệm thành công, đáp ứng các yêu cầu thực tế. Giá thành chế tạo hệ thống cho nhà 1 trệt 3 lầu ước khoảng 33 triệu đồng, rất phù hợp để triển khai rộng rãi. Nhóm nghiên cứu sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp chế tạo và lắp ráp thiết bị. Khi sản xuất hàng loạt và đưa ra thị trường, doanh nghiệp có thể sản xuất khoảng 10.000-20.000 thang thoát hiểm mỗi năm, với giá bán khoảng 45 triệu đồng/chiếc.

Vân Nguyễn (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả