SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu sử dụng các chế phẩm thảo dược để thay thế kháng sinh trong thức ăn gà đẻ

Hiện  nay, việc sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi với mục đích kích thích sinh trưởng và ngăn ngừa bệnh tật đã bị cấm ở hầu hết các nước phát triển trên thế giới. Các giải pháp thay thế việc bổ sung kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi đã được đưa ra như bổ sung axit hữu cơ, probiotic, thảo dược…trong đó giải pháp bổ sung thảo dược được đánh giá là tốt hơn và an toàn hơn.


Các nghiên cứu về việc bổ sung thảo dược vào khẩu phần cho gà đẻ trên thế giới hiện nay chưa nhiều. Ở nước ta chưa có nghiên cứu sử dụng các chế phẩm có nguồn gốc thảo dược trong thức ăn để phòng bệnh và kích thích sinh trưởng, sinh sản cho gà đẻ. Nhận diện sự cần thiết của hướng nghiên cứu này, tác giả Lã Văn Kính và Nguyễn Thị Lệ Hằng (Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ - Viện chăn nuôi Hiệp Thắng, Bình Dương) đã tiến hành “Nghiên cứu sử dụng các chế phẩm thảo dược để thay thế kháng sinh trong thức ăn gà đẻ”.
 
Thông qua việc sử dụng đối tượng nghiên cứu là các chế phẩm thảo dược CP3 (Cao Xạ can 39,9%, Cao Quế 36,6%, Cao Dâu tằm 23,5%), CP4 (Cao Xạ can 42,8%, Cao Bọ mắm 32,0%, Cao Dâu tằm 25,2%) và CP5 (Cao Xạ can 57,8%, Cao Viễn chí 8,1%, Cao Bọ mắm 34,1%) ở dạng bột đã được phối chộn. Kết quả cho thấy, việc bổ sung các chế phẩm thảo dược  này với các liều lượng khác nhau vào thức ăn cho gà đẻ Lương Phượng đã làm tăng khối lượng trứng từ 2,1 – 2,5%, nâng cao tỷ lệ trứng chọn ấp 1,6 – 2,1%, giảm giá thành một trứng giống 2,8 – 6,2% so với lô đối chứng và lô bổ sung kháng sinh. Ảnh hưởng của việc bổ sung thảo dược trong thức ăn không rõ đối với tỷ lệ đẻ trứng, các chỉ số chất lượng trứng, hệ số chuyển hóa thức ăn và tỷ lệ bệnh hô hấp. Các chế phẩm thảo dược hoàn toàn có thể thay thế kháng sinh trong thức ăn cho gà đẻ. Cả 3 liều của chế phẩm CP3 đều cho kết quả tốt, nhưng liều bổ sung tối ưu là 0,2% trong khẩu phần thức ăn. Liều bổ sung tối ưu của chế phẩm CP4 là 0,21% và CP5 là 0,16%.
 
Nghiên cứu đã xác định được  khả năng thay thế kháng sinh của các chế phẩm thảo dược để phòng bệnh và kích thích sinh sản cho gà đẻ lông màu (gà Lương Phượng). Nghiên cứu cũng mở ra hướng phát triển nguồn thức ăn không có kháng sinh trong chăn nuôi, đảm bảo chất lượng thịt gia cầm sạch, đáp ứng nhu cầu thực tế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
 
Nguồn: Tạp chí NN&PTNT, số 20/2015
 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả