Đánh giá khả năng sử dụng cát thiên nhiên hạt mịn trong xây dựng nền đường đắp trên đất yếu ở khu vực phía Nam
13/05/2011
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do TS. Nguyễn Văn Hùng, ThS. Ngô Châu Phương (Trường ĐH Giao thông vận tải) thực hiện phân tích, tổng kết các kinh nghiệm, tiêu chuẩn của VN và nước ngoài trong việc sử dụng cát hạt mịn xây dựng nền đường đắp và các số liệu thí nghiệm trong phòng, ngoài hiện trường nhằm đưa ra các cơ sở khoa học để sử dụng hiệu quả cát thiên nhiên hạt mịn đang được khai thác rộng rãi ở khu vực phía Nam trong xây dựng nền đường đắp trên đất yếu.
Theo đó, cát hạt mịn đang được khai thác và sử dụng tại TP.HCM, Vĩnh Long và các nguồn cát tiềm năng (Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Nhà Bè…) hoàn toàn có thể sử dụng làm vật liệu trong công tác xây dựng nền đường với vai trò như sau: có thể sử dụng cát hạt mịn thiên nhiên làm vật liệu đắp trong xây dựng nền đường. Tùy thuộc vào trị số mô đun đàn hồi của hạt cát mịn, các thông số của nền đất yếu, chiều cao lớp cát cần đắp, cấp hạng kỹ thuật của đường và mục đích sử dụng mà có giải pháp sử dụng hạt cát mịn hợp lý. Khi mô đun đàn hồi của cát hạt mịn thấp (E cat < 450 daN/cm2) thì việc chỉ sử dụng cát hạt mịn làm vật liệu đắp để đạt trị số mô đun đàn hồi với nền đường yêu cầu (thông thường yêu cầu E nen > 400 daN/cm2) là không hiệu quả vì khi đó chiều dày lớp cát đắp sẽ rất lớn, phải kết hợp các giải pháp khác như làm lớp đáy áo đường bằng cát hạt mịn gia cố xi măng hoặc bằng lớp cấp phối thiên nhiên… Ngoài chức năng làm vật liệu đắp nền đường, cát hạt mịn đang được khai thác ở phía Nam có thể dùng làm tầng đệm cát chứa nước hoặc tầng đệm cát thoát nước – điều này phụ thuộc vào chiều dài hành trình thấm, tốc độ lún của nền đắp và hệ số thấm của cát hạt mịn (cần tiến hành thực nghiệm hiện trường trước khi áp dụng đại trà).
LV (nguồn: TC Giao thông vận tải, 1+2/2011)