SpStinet - vwpChiTiet

 

Đánh giá sự kháng thuốc của bệnh nguyên nhiễm khuẩn bệnh viện

Đề tài do các tác giả Lê Thị Anh Thư, Võ Thị Chi Mai, Nguyễn Phúc Tiến, Đặng Thị Vân Trang thực hiện nhằm đánh giá các chủng gây bệnh trong các nhiễm khuẩn bệnh viện do vi khuẩn Gram âm; đánh giá mức độ kháng thuốc của các chủng Gram âm qua xác định MIC (nồng độ ức chế tối thiểu) bằng E-test; xác định tỷ lệ ESBL (beta-lactamase phổ rộng) đối với Klebsiella và E. coli; đánh giá vấn đề đồng nhiễm và mức độ kháng thuốc của các vi khuẩn Gram dương qua kháng sinh đồ thông thường.

Nghiên cứu tiến hành với các bệnh phẩm lấy từ các bệnh nhân nhiễm khuẩn bệnh viện có kết quả cấy dương tính với vi khuẩn Gram âm hiếu khí ở các khoa lâm sàng tại bệnh viện Chợ Rẫy từ tháng 2 đến tháng 6/2006.
Kết quả cho thấy, có 88 mẫu bệnh phẩm dương tính với 100 mẫu vi khuẩn Gram âm hiếu khí. Các vi khuẩn phân lập được từ mẫu cấy máu (11/100), đàm (45/100), mủ (27/100) (trong đó vết thương phẫu thuật 15, phỏng 7, da mô mềm 5), nước tiểu (13/100) và các dịch dẫn lưu (4/100). Phân bố các mẫu dương tính theo khoa nhiều nhất ở các khoa ngoại và nội thần kinh, tim mạch, hồi sức cấp cứu với các vi khuẩn Gram dương gây nhiễm khuẩn bệnh viện chủ yếu là các chủng Staphylococci (80%), Enteroccocci 914%)... Viêm phổi bệnh viện là nguyên nhân thường gặp nhất (45%), tiếp theo là nhiễm khuẩn vết mổ (21%), nhiễm trùng tiểu (13%), nhiễm trùng da (11%), nhiễm trùng huyết (10%). Các loại vi khuẩn phân lập được (từ phân tích MIC) nhiều nhất bao gồm Klebsiella Pneumonia và Klebsiella spp, Pseudomonas aeruginosa và Pseudomonas spp, Acinetobacter Baumani và Escherichia Coli và Escherichia spp.
Về tình hình sử dụng kháng sinh, mặc dù tỷ lệ đề kháng cao (>80%) đã được ghi nhận qua kháng sinh đồ, song cephalosporin thế hệ 3 vẫn là kháng sinh chủ yếu được dùng trong các trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện (>50% cho các bệnh nguyên Gram âm; 51% kết hợp với 31% gentamycin cho bệnh nguyên Gram dương; 1% dùng Vancomycin; với trường hợp tiết ESBL chủ yếu cũng dùng cephalosporin thế hệ 3).
Như vậy, việc sử dụng kháng sinh hiện tại là chưa hợp lý và chính điều này là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tăng tần suất ESBL dương tính trong nhóm nghiên cứu. Giám sát việc sử dụng kháng sinh và tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng kháng sinh là cần thiết để làm giảm sự đề kháng kháng sinh.
LV (nguồn: TC Y học thực hành, số 1/2008)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả