Đề tài do các tác giả Phạm Vũ Khánh và Tống Thị Tam Giang (Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam) thực hiện nhằm nghiên cứu về thực trạng sử dụng Y học cổ truyền (YHCT) và tìm hiểu yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng YHCT, tìm ra những yếu tố có tác động thúc đẩy hoặc kìm hãm việc sử dụng YHCT chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Nghiên cứu tiến hành với các lãnh đạo chủ chốt ngành y tế ở cấp tỉnh, huyện, xã như Sở Y tế, chuyên viên phụ trách của Sở Y tế, Hội đông y, giám đốc, trưởng khoa bệnh viện, cán bộ trạm y tế… ở các tỉnh phía Bắc.
Kết quả cho thấy, có 11 nhóm bệnh thường được điều trị bằng YHCT/ tổng số trường hợp bị bệnh tại cơ sở y tế công lập các tuyến là nhóm bệnh cơ xương khớp, da liễu, hô hấp, mắt, phụ sản, sinh dục - tiết niệu, tai mũi họng, thần kinh, tiêu hoá, toàn thân, tuần hoàn. Các bệnh khó, mạn tính và mang tính chuyên sâu tại tuyến tỉnh chiếm tỷ lệ cao. Tuyến xã/ phường chủ yếu điều trị các bệnh/ chứng đơn giản, cấp tính và mang tính phổ cập.
Tỷ lệ sử dụng YHCT trong điều trị bệnh tại các tuyến cao nhất là tại bệnh viện YHCT tỉnh (100%), thấp nhất là bệnh viện đa khoa tỉnh (2,74%). Tỷ lệ các phương pháp YHCT được sử dụng tại tất cả các tuyến là thuốc YHCT: tỉnh 97,2%, huyện 89,8%, xã/ phường 78,1%; châm cứu: tỉnh 55,9%, huyện 60,5%, xã/ phường 31,0%; xoa bóp: tỉnh 36,0%, huyện 27,2%, xã/ phường 10,9%; các phương pháp khác (giác hơi, chườm nóng, khí công - dưỡng sinh, điện phân…): tỉnh 31,6%, huyện 8,6%, xã/ phường 9,7%.
Nguồn cung cấp thuốc YHCT cho các tuyến: tuyến tỉnh, ( ) huyện 100% nhập từ cửa hàng bán thuốc sống và các công ty dược; tuyến xã, ngoài các nguồn nhập trên còn có các nguồn do trồng tại trạm và thu hái từ nguồn tự nhiên. Hoạt động của trạm y tế xã/ phường về YHCT: 81,5% trạm y tế có hoạt động khám chữa bệnh bằng YHCT, 18,5% trạm y tế không có hoạt động khám chữa bệnh bằng YHCT; 48,1% trạm y tế có vườn thuốc nam theo đúng quy định của Bộ Y Tế; 29,6% trạm y tế thực hiện công tác truyền thông về sử dụng YHCT.
LV (nguồn: Tạp Chí Y học thực hành, số 12/2007)