SpStinet - vwpChiTiet

 

Bảo quản tôm thẻ chân trắng bằng dịch chiết từ gừng và riềng

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả Phan Thanh Tâm (Trường Đại học Bách khoa) và Nguyễn Mạnh Cường (Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản) nhằm khai thác thành phần dịch chiết từ gừng, riềng để ứng dụng vào việc bảo quản nguyên liệu tôm thẻ, giúp kéo dài thời gian bảo quản, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Hiện tại, nuôi trồng và khai thác tôm đang chiếm tỷ trọng lớn trong ngành thủy sản nước ta. Sản lượng tôm xuất khẩu (tôm he, tôm sú, tôm thẻ chân trắng…) không ngừng tăng trưởng qua các năm. Trong đó, tôm thẻ chân trắng chiếm tỷ trọng cao nhất (2,48 tỷ USD -  theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết ngành thủy sản năm 2018).

Tôm thẻ chân trắng là loài tôm nước lợ, cho năng suất cao, thịt tôm có giá trị dinh dưỡng khá cao, hiện đang được nuôi ở nhiều vùng miền trên cả nước. Để đảm bảo chất lượng tôm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, rất cần công nghệ bảo quản phù hợp, do tôm nguyên liệu sau khi thu hoạch dễ bị biến đổi, hư hỏng rất nhanh, gây mất an toàn thực phẩm nếu bảo quản không đúng cách.

Trên thế giới, để bảo quản tôm, người ta hay sử dụng các phụ gia hóa học như muối sunfit, metabisufit…tuy nhiên phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định. Nếu hàm lượng vượt quá mức cho phép, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng…Chính vì thế, việc khai thác thành phần có nguồn gốc tự nhiên, đảm bảo an toàn, có khả năng kháng khuẩn và chống oxy hóa cao từ gừng, riềng để thay thế hóa chất không an toàn trong công tác bảo quản tôm thẻ chân trắng sau thu hoạch là hướng đi cần thiết và đúng đắn ở Việt Nam hiện nay.

Nghiên cứu đã tiến hành bảo quản tôm thẻ chân trắng sau thu hoạch bằng các phụ gia an toàn, cũng như bằng dịch chiết gừng, riềng kết hợp với phụ gia. Trong quá trình bảo quản, đánh giá chất lượng tôm thẻ thông qua chỉ tiêu hóa lý (pH, NH3), chỉ tiêu vi sinh vật và cảm quan.

Kết quả cho thấy, khi kết hợp dịch chiết gừng, riềng bằng dung môi etanol/nước với tỷ lệ 1/1 cùng với nisin 200 ppm và chitosan 0,5%, giúp kéo dài thời gian bảo quản đến 10 ngày ở 0-20C mà vẫn đảm bảo chỉ tiêu về chất lượng và an toàn thực phẩm. Kết quả này bước đầu đã được áp dụng để bảo quản tôm thẻ tại các cơ sở thu mua ở các xã của huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho hiệu quả rất khả quan.

Đây là các nội dung từ bài viết “Nghiên cứu ứng dụng dịch chiết có hoạt tính sinh học từ gừng (Zingiber officinale), riềng (Alpinia officinarum) để bảo quản tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei)” đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, số 12B, năm 2019 vừa được bổ sung vào kho tư liệu của Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI).

Trong tài liệu này, còn 11 nội dung nghiên cứu đáng chú ý khác về lĩnh vực Nông nghiệp và Khoa học Y dược, như:

  1. Ảnh hưởng của nhiệt độ và thời gian đến hấp phụ phốt pho trong đất phù sa Đồng bằng sông Hồng
  2. Đánh giá đa dạng di truyền bằng chỉ thị hình thái và tương quan kiểu hình của các dòng Náng hoa trắng (Crinum asiaticum L.)
  3.  Phân lập và tuyển chọn chủng vi khuẩn có hoạt tính kháng Erwinia carotovora từ đất trồng sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam
  4. Nghiên cứu điều kiện nuôi trồng cây sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv.) in vitro ở điều kiện nhà kính và tự nhiên tại Lâm Đồng
  5.  Một số đặc điểm kháng kháng sinh và mối liên hệ kiểu gen của Serratia marcescens phân lập trên bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
  6. Xây dựng quy trình khuếch đại đẳng nhiệt Recombinase polymerase amplification (RPA) phát hiện Leptospira spp. gây bệnh
  7.  Nghiên cứu xây dựng quy trình chẩn đoán vi khuẩn Helicobacter pylori trong mẫu nước bọt bằng phương pháp PCR
  8. Đánh giá hiệu quả giảm đau bằng phương pháp nhĩ châm ở các huyệt tử cung, nội tiết, giao cảm, gan, bụng trên bệnh nhân đau bụng kinh
  9. Đánh giá nhĩ lượng của bệnh nhân khe hở vòm miệng bị viêm tai giữa ứ dịch
  10. Khả năng sinh trưởng và năng suất sinh sản của lợn cái (Landrace x Yorkshire) và (Yorkshire x Landrace) nuôi tại Công ty Indovina Thái Bình
  11. Xác định sự có mặt và phiên mã gen ZmLEA14A ở cây chuyển gen Nicotiana tabacum dòng NiC9-1

Quý bạn đọc có thể bấm vào tên bài để tham khảo nội dung chi tiết; hoặc tra cứu các cơ sở dữ liệu của CESTI để tìm tài liệu theo yêu cầu của riêng mình, tại địa chỉ: http://cesti.gov.vn/thu-vien/1/tra-cuu-chung

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả