Vùng được chọn để thực hiện mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP thuộc ấp Thuận Hòa, xã Long Thuận, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Do điều kiện đất đai và nước phù hợp cho sản xuất nhiều loại rau nhiết đới, nên chủng loại rau trồng ở đây rất đa dạng và phong phú, được phân thành 2 nhóm rau chính:
- Rau ăn lá: cải xanh, cải ngọt, cải dún, cải thìa, cải sậy, mồng tơi, tần ô, bông cải trắng, hành lá, ngò rí, húng quế...
- Rau ăn quả: đậu cove, cà chua, dưa leo, khổ qua, đậu bắp, ớt cay.
Qua các đợt vận động và nhất là sau cuộc hội thảo tập trung, tất cả 43 hộ dân của Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn khu vực kênh Trần Văn Dõng đều hiểu được sự cần thiết của việc sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP và đã tự nguyện đăng ký tham gia thực hiện
mô hình với tổng diện tích 11,4 ha.
Sau hơn 2 năm triển khai nhóm thực hiện đã được những kết quả sau:
- Vào tháng 7/2011 Thành lập lại Tổ hợp tác mang tên Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Thuận Hòa có 28 hộ nông dân tham gia với diện tích 6,08 ha (do một số hộ không tiếp tục tham gia thực hiện mô hình vì các điều kiện riêng). Các hộ trồng rau cùng nhau ký hợp đồng hợp tác và đã được Ủy ban nhân dân xã Long Thuận chứng thực.
- Ban quản lý VietGAP của Tổ hợp tác được thành lập, các tài liệu và hồ sơ hệ thống quản lý chất lượng cũng được soạn thảo và lưu trữ phù hợp yêu cầu VietGAP.
- Các cơ sở vật chất phục vụ cho việc sản xuất sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu VietGAP được xây dựng và vận hành đúng yêu cầu VietGAP.
- Tất cả các hộ thành viên và ban quản lý mô hình đều được tập huấn các kiến thức phục vụ cho việc sản xuất theo VietGAP, được hướng dẫn thực hiện đúng các quy định của tài liệu quản lý chất lượng của Tổ hợp tác. Vì vậy mô hình đã đạt được Chứng nhận phù hợp qui trình VietGAP vào ngày 20.3.2012.