Hải Phòng: Nâng cao hiệu quả nghề khai thác vùng cồn rạn
09/11/2012
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Như nhiều địa phương khác trong cả nước, Hải Phòng đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về sự ô nhiễm, suy giảm nguồn lợi thủy sản ven bờ, sự mất cân đối về quy mô cơ cấu ngành nghề khai thác, sự thiếu hụt về công nghệ kỹ thuật và nguồn nhân lực cho hoạt động đánh bắt ở những vùng ngư trường mới…
Hình minh họa. Trong các nỗ lực tìm kiếm giải pháp nhằm khai thác bền vững và phát triển nguồn lợi thủy sản, năm 2010, thành phố đã giao cho Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Hải Phòng thực hiện đề tài nghiên cứu “Đánh giá thực trạng, đề xuất một số giải pháp kỹ thuật, công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả khai thác cho nghề khai thác cồn rạn ở Hải Phòng”. Nhóm nghiên cứu vừa báo cáo kết quả tại Hội nghị đánh giá đề tài do Sở KH&CN tổ chức.
Theo nhóm nghiên cứu đánh giá, hầu hết tàu tham gia đánh bắt thủy sản vùng cồn rạn có công suất và kích cỡ nhỏ và trung bình, ngư cụ khai thác có cấu tạo chưa hợp lý như kích cỡ mắt lưới nhỏ, độ thô chỉ lưới lớn, ngư cụ cồng kềnh. Bên cạnh đó, việc tổ chức đánh bắt chủ yếu theo kinh nghiệm, ngư dân chưa biết ứng dụng các sản phẩm, thiết bị công nghệ hỗ trợ để giúp nâng cao hiệu quả khai thác…
Từ thực trạng trên kết hợp với quá trình nghiên cứu và khảo sát thực tiễn sản xuất, nhóm thực hiện đề tài đã đề xuất cải tiến ngư cụ
dựa trên mẫu ngư cụ truyền thống. Trên cơ sở bộ ngư cụ cải tiến, nhóm nghiên cứu đề xuất mô hình khai thác đồng bộ cho mẫu ngư cụ này, gồm: các thông số kỹ thuật của vỏ tàu, máy tàu, trang bị an toàn đáp ứng yêu cầu cho tàu hoạt động ổn định, xa bờ và dài ngày trên biển; đề xuất ngư trường khai thác, phương pháp thu thả lưới ứng với tình hình thời tiết cụ thể, cách khắc phục sự cố trong đánh bắt, quy trình bảo quản sản phẩm khai thác; cách thức tổ chức sản xuất theo hình thức tổ, đội, nhóm tàu…
Nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị, cần sớm quy hoạch và phát triển bền vững nghề khai thác cồn rạn ở Hải Phòng theo hướng hạn chế phát triển và dần thay thế nghề khai thác vùng cồn rạn ở ven bờ nhằm phục hồi nguồn lợi đồng thời khuyến khích phát triển nghề khai thác cồn rạn vùng khơi.
LV (nguồn: TC Hoạt động KH, 11/2012)