Khả năng tiêu, thoát nước mưa của thảm xanh thực vật ven đường
02/11/2013
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Nhóm nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thiệp (Hội Nước và môi trường Tp.HCM), Nguyễn Thị Bích Sáng (Đại học Sư phạm kỹ thuật Tp.HCM) tập trung vào vấn đề tiêu nước mưa của thảm xanh, cụ thể là thảm xanh dọc theo tuyến đường Xa lộ Hà Nội (XLHN) đoạn từ chân cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức). Từ kết quả nghiên cứu về hiện trạng địa hình, cấu trúc XLHN, nhóm nghiên cứu đề xuất giải pháp tiêu và thoát nước mưa trên toàn bộ hành lang XLHN (đường + thảm xanh) bằng cách hạ độ cao mặt đất trong dải phân cách xuống khoảng 15-20cm để trữ nước mưa, lượng nước mưa vượt mức chứa sẽ thoát theo ống dẫn đổ về thảm xanh dọc 2 bên đường; đắp đập chắn ngang hoặc đập chắn dọc trên thảm xanh để tạo thành hồ giữ nước lớp mỏng, lượng nước mưa vượt mức chứa sẽ tràn tại đập tràn thiết kế, và sau một thời gian ngưng mưa, nước mưa trong đập sẽ được xả kiệt qua ống đáy dưới chân đập rồi chảy về nơi tiếp nhận; xẻ rãnh tường bao để nước trên mặt đường thoát vào thảm xanh, dải phân cách; mở rộng tiết diện mương thoát nước tràn hiện hữu, hoặc đào đất tạo thành các hồ chứa nước lớp mỏng trong khu vực thảm xanh.
Kết quả cho thấy, khả năng thấm và trữ lớn nhất của thảm xanh khi áp dụng các giải pháp đề xuất là khoảng 20.046m
3 nước mưa (một trận mưa trong ngày), ứng với lượng mưa khoảng 50 - 52mm (trường hợp nước mưa trên tổng diện tích tuyến đường đổ hết về thảm xanh); khoảng 80 - 82mm (trường hợp nước mưa trên 1/2 tổng diện tích tuyến đường đổ hết về thảm xanh). Khả năng thấm và trữ nhỏ nhất của thảm xanh khi áp dụng các giải pháp đề xuất là khoảng 19.230m
3 nước mưa (3 ngày mưa liên tục), ứng với
lượng mưa khoảng 50mm (trường hợp nước mưa trên tổng diện tích tuyến đường đổ hết về thảm xanh); khoảng 78mm (trường hợp nước mưa trên 1/2 tổng diện tích tuyến đường đổ hết về thảm xanh)
Với những biện pháp được đề xuất, thì thảm xanh dọc theo XLHN có thể giúp tiêu thoát hết lượng mưa trên hành lang giao thông này. Các giải pháp đề xuất dạng phi công trình thoát nước, không gây tốn kém nhiều về chi phí, ít cải tạo, không ảnh hưởng nhiều đến mỹ quan mà kết quả có ý nghĩa đối với hiện trạng ngập úng hiện nay. Việc tiêu thấm tại chỗ và tích trữ nước tại chỗ trong một thời gian ngắn sẽ giúp tăng cường năng lực thoát nước cho mạng lưới thoát nước tổng thể trong khu vực, giảm hiện tượng ngập úng hoặc giảm thời gian gây ngập úng cho khu vực.
LV (nguồn: Kỷ yếu HN ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM lần 1)