Thực trạng mất răng của người lớn ở Hà Nội và nhu cầu điều trị phục hình
13/05/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Nguyễn Mạnh Minh (trung tâm Y tế quận Đống Đa – Hà Nội) thực hiện nhằm đánh giá tình trạng mất răng người lớn ở các lứa tuổi trưởng thành và nhu cầu phục hình bằng cầu cố định.
Nghiên cứu tiến hành với các cán bộ, nhân viên cơ quan xí nghiệp, nhà máy… có độ tuổi từ 20-60 hiện đang sinh sống tại Hà Nội, chia làm 3 nhóm: nhóm tuổi 20-34 (răng vĩnh viễn đã mọc đầy đủ, rất quan trọng để đánh giá bệnh nha chu của thanh niên); nhóm tuổi 35-44 (theo dõi tình trạng sức khoẻ răng miệng ở người lớn); nhóm tuổi 45-60 (phản ánh hiệu quả của dịch vụ chăm sóc răng miệng trong cộng đồng và là cơ sở cho việc lập kế hoạch chăm sóc thích hợp cho người có tuổi sau này).
Kết quả cho thấy, tỷ lệ mất răng ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng còn cao (35,2%). Nhu cầu phục hình lớn (33,4% trong đó có 24,3% có nhu cầu phục hình cố định) do tỷ lệ mất răng còn cao, trong khi số người đã được phục hình lại thấp, chỉ có 15%. Mất răng chủ yếu là do biến chứng của sâu răng 47,35%, viêm quanh răng 37,43%, sang chấn 5,2%, răng 8 lệch 8,98% và do nguyên nhân khác 1,04%. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp dự phòng mất răng bao gồm giáo dục chăm sóc sức khoẻ răng miệng ban đầu cho cộng đồng, tạo ý thức chủ động chăm sóc răng miệng cho người dân, phòng chống bệnh sâu răng, phòng chống bệnh vùng quanh răng và phục hình cho những răng đã mất.
LV (nguồn: TC Y học thực hành, số 2/2008)