Đề tài do các tác giả Nguyễn Thị Trâm, Phạm Thị Ngọc Yến, Trần Văn Quang, Nguyễn Văn Mười, Nguyễn Trọng Tú, Vũ Thị Bích Ngọc, Lê Thị Khải Hoàn (Viện Sinh học nông nghiệp – trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội) thực hiện nghiên cứu chọn tạo giống lúa lai 2 dòng mới TH3-4.
Nghiên cứu tiến hành với vật liệu là dòng bất dục T1S-96, dòng cho phấn: R4, hạt F1: TH3-4 (T1S-96/R4). Thực hành các thí nghiệm thời vụ, mật độ, phân bón, đánh giá đặc điểm sinh trưởng, phát triển, đặc điểm hình thái, chống chịu sâu bệnh, cho điểm theo IRRI…
Kết quả, về đặc điểm bố mẹ, dòng mẹ T1S-96 là dòng bất dục đực di truyền nhân mẫn cảm nhiệt độ đồng thời là cây bất dục đầu tiên được chọn trong quần thể phân ly F2 của tổ hợp lai TGMS-24/Japonica-5. T1S-96 có thời gian từ gieo đến trỗ 84-86 ngày, thân cây thấp mập, ká xanh đậm, bông to, hạt nhỏ, dài sít… Dòng bố R4 () chọn trong tập đoàn nhập nội, có thời gian từ gieo đến trỗ 82-84 ngày, chiều cao cây 95-100cm, đẻ nhánh khá, bông to, hạt nhỏ, khối lượng 1000 hạt là 23-24 gam…
Về kết quả khảo nghiệm và sản xuất thử, giống lúa lai hai dòng TH3-4 (T1S-96/R4) có thời gian sinh trưởng ngắn (vụ mùa 105-110 ngày, vụ xuân 120-125 ngày), kiểu cây bán lùn, thân cứng, lá đứng xanh đậm, bông to, hạt nhỏ dài, năng suất trung bình 5,5-8 tấn/ha, chất lượng khá (tỷ lệ gạo xát 70,5%, tỷ lệ gạo nguyên 78,6%, chiều dài hạt 6,2mm, hàm lượng amylose 23%, protein 7,81%). Giống lai này kháng được bệnh đạo ôn, chỉ bị nhiễm nhẹ bệnh bạc lá, khô vằn, chịu được hạn, chua, dễ tính. Thời vụ thích hợp cho vụ xuân muộn từ 1-20/2, vụ mùa từ 5-30/6, vụ hè thu từ 20/5-5/6. Đã xác định mật độ, lượng phân bón phù hợp và giới thiệu quy trình canh tác lúa lai TH3-4 thương phẩm hợp lý cho các tỉnh phía Bắc. TH3-4 có thể bổ sung vào cơ cấu các giống lúa lai ngắn ngày trên chân đất 3 vụ (2 vụ lúa + 1-2 vụ rau màu thu-đông) ở các tỉnh miền Bắc.
LV (theo TC NN&PTNT số 3/2008)