SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu quy trình sản xuất astaxanthin và β-glucan để bổ sung vào thức ăn cho cá dĩa đỏ

Đề tài do tác giả Ngô Đại Nghiệp và cộng sự (Đại học Khoa học Tự nhiên, TP.HCM) thực hiện nhằm tạo chế phẩm có chứa astaxanthin từ nấm men Rhodosporidium sp. và vi tảo Haematococcus pluvialis và β-glucan từ Rhodosporidium sp. và Saccharomyces cerevisiae, ứng dụng trong thực phẩm chăn nuôi làm tăng phẩm chất vật nuôi.

Trong tự nhiên, các loài cá nhiệt đới thường có nhiều màu sắc khác nhau và chính đặc điểm này làm cho chúng trở nên rực rỡ, thu hút hơn và làm cho chúng có giá trị kinh tế không chỉ phục vụ cho nền công nghiệp cá cảnh trong nước mà còn có khả năng tiến tới xuất khẩu. Thực tế khi nuôi các loại cá cảnh như cá dĩa, để nhuộm màu cơ, da hay làm cho cá cảnh có màu vàng cam hay đỏ, thức ăn nuôi công nghiệp thường được bổ sung sắc tố, làm cho cá có màu sắc đẹp hơn. Các sắc tố hiện diện trên da, đóng một vai trò quan trọng đối với giá trị thương mại của các loài cá cảnh. Astaxanthin và β-glucan là hai hợp chất có nhiều tiềm năng trong việc tăng màu sắc và sức đề kháng cho cá cảnh, đã được sử dụng như là thành phần bổ sung trong thực phẩm cho một số đối tượng thủy hải sản. Trong nghiên cứu này, astaxanthin được thu nhận từ tảo Haematococcus pluvialis và nấm men hồng Rhodosporidium sp., β-glucan được thu từ nấm men hồng, nấm men bia và nấm men bánh mì (Saccharomyces cerevisiae).

Các kết quả thu được cho thấy, Haematococcus pluvialis có hai pha sinh trưởng và tạo astaxanthin. Môi trường tăng sinh tốt nhất cho loài H. pluvialis là BG11 ở điều kiện sục khí với cường độ ánh sáng 2Klux, thời gian chiếu 12 giờ ở 25oC trong thời gian 14 ngày. Trong giai đoạn tạo astaxanthin, khi sử dụng môi trường BG11 nuôi tĩnh thì từ 18 ngày trở đi mới có sự tích lũy astaxanthin. Khi tăng nhiệt độ lên 37oC thì thời gian bắt đầu tích lũy là ngày thứ 10 và đạt 2,68% ở ngày thứ 22. Khi nuôi trong môi trường RM không có nitơ và phospho với thời gian chiếu sáng 24 giờ/ngày hàm lượng astaxanthin tích lũy chiếm tới 2,67% trọng lượng tế bào chỉ sau 10 ngày gây stress.

Trong khi nấm men Rhodosporidium sp. cho sinh khối có nhiều astaxanthin tối ưu khi nuôi cấy với tỷ lệ giống bổ sung 10% vào thời điểm 74 giờ. Cụ thể hàm lượng astaxanthin là 2309,17μg/l và trọng lượng sinh khối khô thu được là 6,1696 g/l hay 374,29 μg/g sinh khối khô. Ngoài ra cũng đã xác định được điều kiện thích hợp cho thu nhận hàm lượng β-glucan là 64,87% ở nồng độ NaOH 0,5M trong thời gian 4 giờ, nhiệt độ 100oC, tỷ lệ mẫu:NaOH là 1:5. Ngoài ra, quy trình thích hợp để tách chiết β-glucan từ vách tế bào nấm men cho cả men bia và men bánh mì là NaOH 1M, đun ở 1000C trong 4 giờ với tỷ lệ NaOH (ml):vách tế bào (g) = 1:5.

Sau ba tháng thí nghiệm, kết quả cho thấy màu sắc của cá dĩa đỏ ở các nghiệm thức có sự khác nhau rõ rệt ở nồng độ 90mg/kg thức ăn. Cá dĩa có màu sắc đậm nhất ở nghiệm thức chế phẩm thương mại với số điểm trung bình là 28,25; kế đến là nghiệm thức astaxanthin tách chiết tương ứng với số điểm 26,23; nghiệm thức đối chứng không sử dụng astaxanthin cho kết quả màu sắc trên da cá dĩa nhạt nhất với 20,48 điểm. Sau 30 ngày cho cá ăn thức ăn có bổ sung β-glucan với các nồng độ khác nhau 0,1%, 0,5% và 1%, ở nghiệm thức cho ăn ở nồng độ 1% có khả năng kích thích miễn dịch cho cá dĩa. Đồng thời β-glucan có khả năng kích thích tăng sức đề kháng hơn là trị bệnh.

Từ kết quả thử nghiệm xác định được chế phẩm bổ sung cho thức ăn cho cá dĩa đỏ có thể làm đậm màu của cá và làm tăng hệ miễn dịch (tăng tổng số tế bào bạch cầu ở cá) là hàm lượng astaxanthin và β-glucan lần lượt là 90mg/kg thức ăn và 10g/kg thức ăn.

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả