Tiềm năng "hoa ống nghiệm" ở Lâm Đồng
23/05/2014
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Bằng kỹ thuật chiếu xạ tia gamma qua mẫu lá và mẫu cây con, các cán bộ sinh học ở Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt đã “phân lập đột biến” để kích thích cho cây ra hoa trong ống nghiệm với nhiều sắc màu mới khác nhau. Sản phẩm “hoa ống nghiệm” đang hy vọng trở thành “nhu cầu tiềm năng” trong sản xuất của nhiều nông dân tỉnh Lâm Đồng.
Hoa nở trong ống nghiệm tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt
Trong gian phòng kỹ thuật cấy mô vài chục mét vuông với nhiều giống hoa sắp đặt thành từng tầng, từng lớp, anh Lê Văn Thức, thạc sỹ chuyên ngành công nghệ sinh học cho biết: hoa mắt mèo là loài hoa ngắn ngày, dễ trồng và dễ chăm sóc trên tất cả các vùng miền có khí hậu, thời tiết khác nhau trong nước, thời gian hoa tươi khá lâu.
Qua khảo sát của nhóm nghiên cứu, giống hoa mắt mèo “nguyên vị” nói chung, và hoa mắt mèo đột biến mới về màu sắc-cấu trúc nói riêng đều có nhu cầu tiềm năng trước mắt và lâu dài. Kết quả sau 2 năm thực hành và đối chứng, anh Thức và đồng nghiệp đã hoàn thành 6 giai đoạn tạo giống hoa mắt mèo bản quyền mới gồm: chọn lựa quy trình ra hoa in vitro (ra hoa trên cây cấy mô trong ống nghiệm); xác định liều chiếu bức xạ gamma trên mẫu mô giống để gây đột biến; tách phân lập ngẫu nhiên các đỉnh chồi, mắt của mẫu mô; chọn ra hoa đồng loạt trên 500 mẫu mô trong ống nghiệm; xác định phổ màu biến dị của hoa; và lựa chọn quy trình nhân giống hoa đột biến theo hướng có giá trị thương mại.
Cụ thể từ 500 mẫu mô mắt mèo màu tím nhạt được “vận hành” với 6 giai đoạn này, nhóm nghiên cứu đã tạo đột biến, chọn ra 3 màu giống hoa đầu dòng, vượt trội nhất là màu tím đậm, màu vàng và màu trắng. Sau khi đưa giống từ phòng thí nghiệm ra trồng trong nhà kính và trồng ngoài trời, áp dụng kỹ thuật chăm sóc mới trên dưới 3 tháng đã đạt tỷ lệ ra hoa gần như đầy đủ, chất lượng hoa đạt yêu cầu đề ra.
So sánh với các loài hoa cắt cành khác như hoa cúc, đồng tiền… trên cùng một đơn vị diện tích thì hoa mắt mèo đột biến có giá trị thương mại tương đương. Đồng thời nhóm nghiên cứu cũng đã đưa sản phẩm hoa mắt mèo trong ống nghiệm ra thăm dò thị trường, bước đầu nhận được phản hồi khá khả quan, dự đoán đạt tỷ lệ lợi nhuận ngang với khi trồng ngoài vườn.
Việc tạo mới giống hoa mắt mèo đột biến là kinh nghiệm chuyển tiếp từ kết quả tạo mới các giống hoa bất tử, forget me not… những năm trước đó của Phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Đây được xem là nguồn giống đầy triển vọng, giúp người nông dân Đà Lạt, Lâm Đồng có thêm lựa chọn để đa dạng hóa cây trồng phù hợp và hiệu quả trên khoảnh vườn của mình.
Nguồn: Báo Lâm Đồng