Bước đầu đề xuất một số giải pháp tốt nhất (best practice) nhằm bảo vệ chất lượng nước thủy vực đô thị theo hướng bền vững
13/04/2015
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả Nguyễn Thị Đoan Trang, Lâm Minh Tâm (Khoa Môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) đề xuất các giải pháp mang tính sinh thái áp dụng cho thủy vực nội ô (sông Bảo Định, đoạn chảy qua thành phố Tân An, tỉnh Long An) với kết quả đánh giá ban đầu là có thể góp phần giải quyết hiệu quả vấn đề hiện nay nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng nước.
Các giải pháp tốt nhất (best practice) đã được nghiên cứu và áp dụng thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt và định hướng phát triển bền vững, việc áp dụng các giải pháp tốt nhất là hoàn toàn phù hợp và khả thi đối với việc bảo vệ chất lượng nước thủy vực nội thị, đồng thời gia tăng giá trị phúc lợi cộng đồng, mỹ quan cho khu vực đô thị.
Theo đó, chất lượng nước sông Bảo Định đoạn chảy qua thành phố Tân An, tỉnh Long An đang giảm dần do chủ yếu là ô nhiễm tải lượng hữu cơ. Việc tiếp cận giải pháp tốt nhất sớm là một lợi thế. Có 4 nhóm giải pháp được đề xuất gồm: cải thiện chất lượng nước sông và cảnh quan khu vực sử dụng thực vật; gia tăng mảng xanh khu vực kết nối với diện tích xanh hiện hữu của đô thị; tận dụng có hiệu quả các khoảng đất bỏ hoang với nhiều mối nguy về ô nhiễm môi trường cũng như ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng rải rác trong khu vực; một số giải pháp khác.
Phần lớn các giải pháp đề xuất đều cần có sự phối hợp thực hiện của nhiều cơ quan, nhiều thành phần trong xã hội như cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng, các trường đại học và viện nghiên cứu, những hỗ trợ tài chính, khoa học kỹ thuật từ tổ chức trong và ngoài nước.
Việc áp dụng các giải pháp tốt nhất theo tinh thần sinh thái hóa thủy vực đô thị - một giải pháp của hạ tầng xanh, hỗ trợ cho nhu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững hiện nay. Cần có những nghiên cứu tiếp theo nhằm hoàn thiện hơn các giải pháp, đồng thời xác lập lộ trình tiến đến một sông Bảo Định sinh thái, kèm theo là những cơ chế phối hợp thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thực thi các giải pháp đề xuất, trước mắt áp dụng cho đoạn sông nghiên cứu, sau đó có hướng nhân rộng cho các thủy vực tương tự.
LV (HN KHCN ĐH Tài nguyên và Môi trường TP. HCM lần 2-2014)