Ảnh hưởng của các loại dung môi đến khả năng kháng vi khuẩn Vibrio vulnificus và Streptococcus spp. của dịch chiết một số loại thảo dược
15/12/2014
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Trần Ngọc Hùng (Trường Cán bộ Quản lý nông nghiệp và PTNT 1), Trương Thị Thành Vinh, Trần Thị Lam Giang (Trường ĐH Vinh) thực hiện nhằm xác định ảnh hưởng của các loại dung môi khác nhau khi chiết xuất thảo dược gồm củ tỏi, lá diệp hạ châu và lá cây hoàn ngọc đến khả năng kháng vi khuẩn Vibrio vulnificus và Streptococcus spp. gây bệnh lở loét trên cá bống bớp và cá trê lai.
Kết quả cho thấy, các loại dung môi ảnh hưởng đến hoạt tính kháng khuẩn của thảo dược. Khi sử dụng ethanol và metanola để chiết xuất, dịch chiết sẽ có khả năng kháng vi khuẩn V. vulnificus và Streptococcus spp. cao hơn so với dung môi nước và clorofom. Với dung môi ethanol và metanola, dịch chiết củ tỏi đạt tốt, đường kính vòng kháng khuẩn 20,12 mm – 21,71 mm; dịch chiết lá diệp hạ châu đạt trung bình, đường kính vòng 14,61 mm – 16,23 mm. Riêng đối với dịch chiết lá hoàn ngọc, trong tất cả các lại dung môi đều có mức kháng khuẩn kém, đường kính vòng kháng khuẩn 4,75-9,09 mm.
Dịch chiết củ tỏi và diệp hạ châu với các loại dung môi khác nhau có hoạt tính kháng khuẩn không giống nhau, tác động mạnh nhất là với dung môi ethanol và metanola với nồng độ ức chế vi khuẩn V. vulnificus và Streptococcus spp. là 64 µg/ml, kế đến là dung môi nước với MIC (nồng độ ức chế tối thiểu) = 128 µg/ml, dung môi clorofom với MIC lần lượt là 256 µg/ml và 512 µg/ml.
Dịch chiết lá diệp hạ châu với dung môi metanola có hoạt tính kháng khuẩn trung bình với MIC = 1024 µg/ml, các dung môi còn lại có mức kháng khuẩn yếu với MIC dao động từ 2048 – 4096 µg/ml.
LV (nguồn: TC NN&PTNT, tháng 9/2014)