Nghiên cứu tạo mảnh ghép mô mềm từ tế bào gốc mô mỡ và khung nâng đỡ sinh học
11/06/2018
KH&CN trong nước
Dựa trên sự kết hợp giữa các tế bào gốc trung mô thu nhận từ mô mỡ và hai loại giá thể (khung nâng đỡ) từ Gelatin-Alginate (G-A) và Fibrin, nhóm tác giả Huỳnh Duy Thảo, Trần Lê Bảo Hà, Trần Công Toại (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu chế tạo các mảnh ghép để thay thế hoặc tái tạo lại các mô mềm trong cơ thể, đồng thời tạo ra được khung nâng đỡ phù hợp cho các tế bào gốc mô mỡ.
Kỹ nghệ mô là lĩnh vực có nhiều đóng góp thiết thực và hiệu quả trong chăm sóc và điều trị bệnh, đặc biệt là các ứng dụng lâm sàng trong tái tạo cấu trúc mô mềm, phẫu thuật thẩm mỹ hoặc điều trị các tổn thương và bệnh lý như bỏng, phẫu thuật loại bỏ khối u, các vết loét sâu và chấn thương do tai nạn giao thông. Trước đây, các mảnh ghép mô mỡ tự thân thường được dùng để tái tạo các khuyết hổng mô mềm nhưng chỉ có thể thực hiện trên các khuyết hổng nhỏ, do mô được ghép vào sẽ mất đi theo thời gian và xuất hiện tình trạng hoại tử do thiếu máu nuôi.
Với các mô mỡ thu thập được khi hút mỡ (trong phẫu thuật thẩm mỹ) từ vùng mô mỡ thừa, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các phương pháp gồm: Phân lập, nuôi cấy và xác định tế bào gốc trung mô từ mô mỡ người; chế tạo khung G-A và Fibrin; tạo mảnh ghép từ tế bào gốc trung mô và khung nâng đỡ. Kết quả thu được cho thấy, tế bào nuôi cấy đều là các tế bào bám dính lên chai nuôi, có hình dạng thon dài đặc trưng cho tế bào gốc trung mô. Quần thể tế bào này có khả năng biệt hóa thành 2 dòng tế bào là nguyên bào xương và tế bào mỡ. Các tế bào trung mô thu từ mô mỡ có thể tiến hành phân lập và nuôi cấy trên giá thể, có khả năng bám dính, tăng trưởng nhanh và biệt hóa trong điều kiện nuôi cấy in vitro. Bên cạnh đó, quy trình tạo khung nâng đỡ GA và Fibrin, cũng như mảnh ghép có mang tế bào gốc trung mô từ mô mỡ và 2 loại khung nâng đỡ này cũng được các nhà nghiên cứu thực hiện thành công.
Các nhà nghiên cứu cũng đề xuất cần thực hiện thêm một số thí nghiệm khác để khảo sát mức độ an toàn về mặt di truyền và tiềm năng biệt hóa của tế bào theo thời gian nuôi cấy và số lần nhân đôi thế hệ.