Phân tích đặc điểm phân bố và nguyên nhân tai nạn giao thông đường bộ ở TP. HCM
12/02/2014
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Các tác giả Vũ Anh Tuấn, Trần Quang Vượng (Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, Trường ĐH Việt Đức) tập trung phân tích sâu về đặc điểm phân bố các vụ tai nạn giao thông theo số liệu 3 năm gần đây do Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TP. HCM cung cấp.
Kết quả cho thấy, có sự khác biệt đáng kể giữa 3 khu vực về đặc điểm các vụ tai nạn giao thông. Cụ thể, có sự khác nhau trong phân bố số vụ tai nạn giao thông theo giờ, theo phương tiện liên quan, độ tuổi bị tai nạn và nguyên nhân. Do vậy, nhóm tác giả khuyến nghị thành phố cần xây dựng các biện pháp chính sách an toàn giao thông cụ thể, thích hợp cho từng khu vực. Để tiếp tục nâng cao an toàn giao thông, thành phố cần thực hiện các giải pháp quan trọng.
Một là, tuyên truyền nâng cao ý thức, phổ biến kiến thức về an toàn giao thông cần lưu ý đặc biệt đối tượng nam giới 19-30 tuổi. Hai là, công tác tuần tra giám sát giao thông cần tập trung vào thời gian 22 giờ tối đến 4 giờ sáng. Riêng khu vực 2 (các quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức) cần giám sát thêm từ 14 giờ chiều đến 22 giờ tối. Ba là, vào ban đêm, cần nghiên cứu chuyển hệ thống đèn tín hiệu từ trạng thái nhấp nháy vàng sang trạng thái hoạt động bình thường như ban ngày để góp phần giảm đáng kể các vụ tai nạn giao thông vào ban đêm. Bốn là, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp thích hợp để tách làn xe tải với xe mô tô. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các tuyến đường thuộc khu vực 2. Năm là, xử lý nghiêm các đối tượng sử dụng hè phố sai mục đích, đặc biệt là ở khu vực 1 (các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận), tạo điều kiện thuận lợi và an toàn cho khách bộ hành. Sáu là, riêng khu vực 2 và 3 (khu vực 3 gồm 5 huyện ngoại thành Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi và Bình Chánh) cần nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật và cưỡng chế để cắt giảm số vụ vi phạm luật giao thông (điển hình là lưu thông sai làn, vượt đèn đỏ, vượt tốc độ…).
Bên cạnh đó, thành phố cũng cần nghiên cứu phân tích chuyên sâu đặc điểm kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng giữa 3 khu vực nói trên và mối liên hệ của chúng với đặc điểm phân bố tai nạn giao thông để làm cơ sở khoa học xây dựng các chính sách an toàn giao thông cho từng khu vực riêng biệt, góp phần nâng cao hiệu quả của tổng thể các giải pháp an toàn giao thông của thành phố.
LV (nguồn: HN KH&CN ĐH Bách khoa TP.HCM lần 13)